Phú Thọ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật một cách toàn diện

(PLVN) - Sau gần mười năm triển khai thi hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ý thức tuân thủ pháp luật của các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao.
Thực hiện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
Thực hiện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ III thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013. Trong luật quy định rõ: Công dân có “quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật”.

Để thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả, trong 10 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo đưa kiến thức pháp luật đến với toàn dân, một cách toàn diện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, đa dạng như: Tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn và phát hành các tài liệu pháp luật, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tư vấn pháp luật...

Cùng với đó, tỉnh cũng phát động nhiều cuộc thi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013, Cuộc thi hoà giải viên giỏi cấp tỉnh lần thứ III năm 2016, Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”. Các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh và UBND các huyện, thành, thị cũng tổ chức nhiều hội thi như: Thi báo cáo viên giỏi, cán bộ dân vận khéo; thi tìm hiểu pháp luật về giao thông đường bộ, Luật Cư trú, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật An ninh mạng… tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Đối với công tác thông tin, tuyên truyền về giáo dục pháp luật, nhiều đơn vị chức năng trên địa bàn đã có những cách làm hay, mang lại hiệu quả tích cực.

Điển hình như: Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Phú Thọ và các đơn truyền thông trên địa bàn cập nhật các thông tin về an toàn giao thông. Đối với tòa án nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp cũng đã ký kết kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2023. Trong lĩnh vực giáo dục, Sở GD&ĐT cũng ký kết với Công an tỉnh kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, trong suốt quá trình triển khai thực hiện tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số một cách hiệu quả nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đến nay, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể ở tỉnh, UBND các huyện, thành, thị đều có Trang thông tin điện tử; hệ thống dịch vụ công và bộ phận “một cửa” thực hiện liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu các dịch vụ hành chính công, kiến thức pháp luật do các cơ quan Nhà nước cung cấp.

Ngoài ra, Phú Thọ cũng chú trọng việc phổ biến pháp luật cho các đối tượng có tính đặc thù, khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật như: Đồng bào vùng dân tộc thiểu số, công nhân lao động, người nghèo, người khuyết tật, học sinh, sinh viên...trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Nhung - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Phú Thọ cho biết: “Công tác phổ biến giáo dục pháp luật là cầu nối quan trọng để đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Các hình thức phổ biến cần đa dạng, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội để người dân được tiếp cận pháp luật một cách dễ dàng, không chỉ biết pháp luật mà còn hiểu pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình”.

Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày càng giảm
Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày càng giảm

Với việc triển khai phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã được nâng cao. Cùng với đó, tình hình vi phạm pháp luật ngày càng giảm, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi có sự đầu tư kinh phí lớn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, điều kiện ngân sách của nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Do đó, tỉnh Phú Thọ cũng mong muốn Bộ Tư pháp, Chính Phủ có những hỗ trợ tích cực đối với các Chương trình, Đề án trọng điểm về phổ biến giáo dục pháp luật cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách./.

Đọc thêm