Lan tỏa thông tin tích cực là trách nhiệm của những công dân số
Thông tin tích cực, hiểu một cách đơn giản và phổ biến, là những thông tin đảm bảo tính đúng đắn, chính xác, có ý nghĩa về một sự việc, một nhân vật, một vấn đề xã hội. Thông tin đó có thể gieo cho người đọc những nhận thức, tình cảm tốt đẹp; có thể thúc đẩy người tiếp nhận có suy nghĩ, hành động tích cực; hoặc cung cấp cho người đọc những kiến thức, nhận định đúng đắn, phù hợp về một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Những thông tin tích cực được chia sẻ góp phần lan tỏa hành động đẹp, tinh thần dũng cảm “vì Nhân dân phục vụ” của các chiến sĩ Công an Bạc Liêu. |
Điển hình như mới đây, thông tin về việc Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bạc Liêu trong quá trình tuần tra kiểm soát đã phát hiện một chiếc ví rơi và ngay lập tức xác minh, trao trả tài sản cho người bị mất vào ngày 25/8/2023; hay thông tin một cán bộ Công an thành phố Bạc Liêu trong quá trình truy bắt tội phạm đã bị đối tượng đâm trọng thương vào ngày 11/8/2023… đã được các trang báo chính thống đưa tin và chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là những thông tin tích cực, bởi thông qua sự việc, sẽ thúc đẩy suy nghĩ tích cực của người dùng mạng xã hội đối với hành động đẹp, tinh thần dũng cảm “vì Nhân dân phục vụ” của các chiến sĩ Công an; đồng thời cũng thay đổi suy nghĩ tiêu cực của một bộ phận người dân vốn định kiến Công an là một “nghề lương cao”.
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc trở thành những công dân số có trách nhiệm không phải dễ dàng. Bởi trên thực tế, mạng xã hội đã xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin mang tính giật tít câu like, câu view từ các tài khoản, trang fanpage với dạng tên gọi và giao diện dễ gây hiểu lầm là của cơ quan báo chí như: “tin tức”, “tin nóng”, “tin nhanh”… Đa phần các trang này do một số cá nhân tự lập ra, sau đó góp nhặt những thông tin truyền miệng hoặc cắt ghép nội dung, hình ảnh từ nguồn báo chí chính thống khiến người dùng mạng xã hội vẫn lầm tưởng đây là các trang báo điện tử, nên chia sẻ lại một cách tràn lan, dẫn đến thực trạng người dân không biết “đâu là thật, đâu là giả”!
Một trang fanpage câu view chia sẻ thông tin sai sự thật gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. |
Do đó, mỗi người trước khi chia sẻ phải có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh… khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền rộng rãi, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin khi chưa biết rõ mức độ tin cậy của nó.
“Dọn rác” mạng xã hội
Thời gian qua, Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trang thông tin, tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân, đăng tải, chia sẻ các nội dung xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã xác minh, xử lý 31 trường hợp vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật đã bị lực lượng Công an Bạc Liêu xử lý. |
Điều đáng nói, khi tiến hành làm việc với các trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội, đa phần đều không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, mà chỉ nghĩ đơn giản là muốn thu hút sự chú ý từ mọi người nhằm có nhiều view, nhiều like hoặc có một số trường hợp do nắm bắt thông tin không đầy đủ, không kịp thời, thiếu kiểm chứng từ các trang fanpage trên mạng xã hội rồi vô tư đăng lên Facebook, Zalo cá nhân mà không hề nghĩ hậu quả gây ra trong cộng đồng.
Do đó, ý thức sử dụng mạng xã hội trong một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ còn khá hạn chế. Lo ngại hơn, những hành vi này sẽ gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Trung tá Nguyễn Văn Đương – Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Để môi trường mạng xã hội trở nên trong sạch hơn, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm thì bản thân mỗi người dân phải thực hiện trách nhiệm của một người công dân số, tăng cường “phủ xanh” mạng xã hội bằng cách lan tỏa những thông tin tích cực. Đồng thời, trang bị cho mình kiến thức về pháp luật và khả năng tự kiểm chứng, tự sàng lọc thông tin. Đó chính là “vắc xin” hữu hiệu nhất để tăng “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật và có ứng xử phù hợp trên không gian mạng”./.