Bộ thừa nhận “chưa phù hợp”!
Trong cuộc họp bàn và lắng nghe ý kiến về các phương án cải tiến biểu giá điện mới đây, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn đã bất ngờ kiến nghị “xin rút lại phương án 2A và 2B”. Hai phương án này bao gồm phương án giá 5 bậc thang và phương án mới tinh điện “một giá”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng tình và cho rằng, phương án điện một giá chưa phù hợp.
Trả lời PLVN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Công Thương “chưa chín chắn” khi đưa ra phương án điện một giá. Việc Bộ rút lại phương án này cũng đúng vì vội vàng và ôm đồm nhiều mục tiêu, thì chính mình tự gây khó cho mình. “Nếu Bộ Công Thương có cơ sở chín chắn, các phương án hài hòa thì vẫn nên đề xuất phương án “một giá” điện để đảm bảo sự minh bạch. Theo tôi, muốn hài hòa lợi ích của nhiều bên thì cần xuất phát trên nguyên tắc không tăng thu cho ngành Điện” - ông Phong nói.
Ông Phong chia sẻ thêm, nguyên tắc xác định giá điện trong thời gian tới để đảm bảo nguyên tắc đồng thuận xã hội chính là nên sử dụng 2 hình thức giá để người tiêu dùng được lựa chọn. Ai thích “một giá” thì lựa chọn “một giá”, ai thích nhiều giá thì lựa chọn phương án nhiều giá, không nên áp đặt như hiện nay. Phương án “một giá” không thể hài hòa lợi ích cho tất cả người dùng vì hiện nay còn chính sách an sinh xã hội, vẫn còn đến 1/2 hộ dân dùng điện ở mức độ thấp, chiếm 1/2 sản lượng điện tiêu thụ. Phương án này chắc chắn không dành cho người thu nhập thấp.
Theo đề xuất của ông Phong thì cách tính mức giá phù hợp nhất cho phương án điện “một giá” là dựa trên nguyên tắc lấy tổng thu tiền điện của nhóm khách hàng có chủ ý dùng phương án “một giá” chia cho tổng mức điện tiêu thụ, con số nhận được chính là mức giá của phương án “một giá”. Cần có phương án điện “một giá” để những người sử dụng nhiều điện không còn có cớ phàn nàn khi ghi số điện tháng trước vào tháng sau khiến số điện tăng thêm, sẽ tăng bậc thang tính tiền và họ phải trả cao hơn mức họ tiêu dùng thực sự trong tháng”.
Đích đến phải là điện “một giá”
Mặc dù không đồng tình với phương án điện “một giá” trong thời điểm hiện nay nhưng Giáo sư Trần Đình Long, một chuyên gia lĩnh vực năng lượng cho rằng, tương lai thị trường điện cũng sẽ phải tiến đến phương án điện “một giá”.
Trong lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, giai đoạn cao nhất của thị trường này sẽ hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ở đó, không thể dùng nhiều mức giá mà chỉ được dùng một giá thống nhất. Một số nước đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như Singapore, thì chỉ có một giá cho điện bán lẻ sinh hoạt.
“Nếu thực hiện đúng lộ trình Chính phủ phê duyệt thì năm 2022 bắt đầu xây dựng thị trường bán lẻ cạnh tranh, năm 2024 thị trường bán lẻ điện cạnh tranh phải hoàn thiện. Tức là chỉ còn 3 - 4 năm nữa sẽ tiến đến sử dụng điện “một giá” trên toàn quốc” - ông Long nhấn mạnh.
Để đến được lộ trình điện “một giá”, theo GS.Long, cần phải có giai đoạn trung gian 3 bậc. Với giai đoạn này, đại trà là bậc trung bình (sẽ có giá bằng giá điện bán lẻ bình quân mà Chính phủ quy định). Nếu sử dụng thấp hơn 100 kWh thì giá điện có thể rẻ hơn để hỗ trợ cho hộ nghèo. Trên mức 500 thì sử dụng mức giá cao để hạn chế dùng điện quá nhiều. Ông Long khẳng định, biến thiên của giá điện bán lẻ có thể đi theo lộ trình này để tiến tới thị trường “một giá” minh bạch hơn.
Trả lời PLVN về việc nếu áp dụng mức giá điện “một giá” phù hợp nhất thì mức giá như thế nào là lý tưởng, chuyên gia này gợi ý, theo lộ trình quy định, nếu đến giai đoạn có thị trường bán lẻ điện và chỉ có điện “một giá” thì sẽ sử dụng ngay giá điện bình quân mà Chính phủ phê duyệt để làm giá bán.
Xung quanh vấn đề này, một doanh nhân cho rằng, mức lợi nhuận lý tưởng nhất đối với doanh nghiệp là bằng 15% chi phí sản xuất. Ngành điện cũng là ngành sản xuất. Chi phí sản xuất điện cũng được tính toán hàng năm nên hoàn toàn có thể sử dụng phương án điện “một giá” ngay lập tức dựa trên nguyên tắc lợi nhuận 15% này.
Theo các ý kiến mà PLVN ghi nhận được đều cho rằng, chắc chắn sẽ phải tiến đến thị trường “một giá” điện. Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng “chưa phù hợp”. Như vậy có thể hiểu, rồi sẽ có thời điểm phù hợp để áp dụng phương án này. Nếu vậy, trước khi trưng cầu ý kiến về một vấn đề nào đó liên quan đến toàn xã hội, Bộ cần kỹ càng hơn ở khâu chuẩn bị, tránh để dư luận ì xèo thì bất ngờ xin rút.
Năm 2024, Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
“Nếu thực hiện đúng lộ trình Chính phủ phê duyệt thì năm 2022 bắt đầu xây dựng thị trường bán lẻ cạnh tranh và đến năm 2024 thị trường bán lẻ điện cạnh tranh phải hoàn thiện. Tức là chỉ còn 3 - 4 năm nữa sẽ tiến đến sử dụng điện “một giá” trên toàn quốc” - GS. Trần Đình Long.