Phương án xử lý đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất: Phải có giải pháp đặc biệt

(PLVN) - Ngày 7/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, cho ý kiến về phương án xử lý đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP).

Tái cơ cấu là phương án khả thi

Theo Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), DQS hiện tại là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn có chức năng đóng mới, sửa chữa tàu, phương tiện thủy, có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong xu thế chuyển dịch năng lượng, DQS có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của PVN trong chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng. Việc thay thế các đội tàu có tuổi vận hành cao hiện nay là cơ hội lớn cho DQS gia tăng sản lượng sửa chữa, đóng mới tàu, phương tiện thủy. Việc tái cơ cấu DQS nhằm làm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, góp phần đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, tham gia vào quá trình thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng của Chính phủ.

Đại diện PVN cũng chia sẻ, ngay sau khi tiếp nhận tài sản của Vinashin về PVN, DQS đã phá sản vì các khoản nợ đến hạn doanh nghiệp này đều không trả nợ được. Các tài sản nhận chuyển từ Vinashin về không đúng ngành nghề, không nằm trong chiến lược phát triển của PVN, nhiều tài sản không hình thành tài sản có thể tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, PVN đã sử dụng các nguồn lực, giải pháp để quản trị để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS. Nếu tính hạch toán trên các tài sản tham gia vào sản xuất kinh doanh thì từ khi đưa về PVN, DQS đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá, so sánh các phương án khác nhau (gồm cả phá sản, tái cơ cấu phục hồi sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng đấu giá theo quy định pháp luật), kết quả hoạt động những năm qua và nghiên cứu đánh giá thị trường, Đề án đã nêu rõ, phương án tái cơ cấu là khả thi và ít thiệt hại nhất cho Nhà nước và các doanh nghiệp có liên quan.

Đại diện các Bộ, ngành, đơn vị liên quan cho rằng, đến nay các phương án đề xuất của PVN vẫn nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu, chưa làm rõ được tính khả thi, tối ưu nhất, xử lý dứt điểm của phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS. Chưa thống nhất được với các bên liên quan về phương án đề xuất, thời điểm chốt số liệu và các số liệu báo cáo, các cơ chế đặc thù, phương án xử lý các khoản nợ, đặc biệt là với các bên cho vay và các nhà thầu liên quan...

“Trường hợp đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt”

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ không hài lòng khi Ban Chỉ đạo đã có nhiều cuộc họp xử lý đối với dự án DQS, nhưng các phương án Ủy ban trình vẫn chưa cụ thể, hợp lý. Ghi nhận đề xuất ý tưởng tái cơ cấu là tốt, nhưng nội dung thuyết minh và các giải pháp kèm theo vẫn chưa khả thi, cụ thể, chặt chẽ, thuyết phục, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, phải chọn giải pháp cuối cùng để xử lý dứt điểm, không thể kéo dài mãi, ảnh hưởng tới các cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng nêu rõ, phương án hiện nay mang tính chất hành chính, không rõ ràng. Gốc của vấn đề là tiếp cận không tổng thể, đánh giá chưa đầy đủ. Do vậy, phải có tiếp cận các giải pháp tổng thể mới xử lý được. Mặt khác, hiện không có sự thống nhất giữa các chủ thể có liên quan, thì chưa thể tìm ra phương án hợp lý. Muốn giữ lại, tái cơ cấu DQS, phải có giải pháp rõ ràng, đánh giá kết quả đạt được. Phương án xử lý phải tuân theo quy định pháp luật. Với cơ chế đặc thù, cần có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thời gian qua, PVN đã rất tích cực nhưng tìm giải pháp phù hợp để xử lý dự án DQS là việc khó. Bởi tồn tại đã trải qua nhiều năm, quá trình định giá tài sản chưa làm hết, quyết toán tài sản chưa xong, thâm hụt về nguồn vốn, lỗ lũy kế lớn, tài sản không phản ánh đúng giá trị, nên việc cơ cấu lại rất khó khăn.

Cho rằng “trường hợp đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, không có giải pháp đặc biệt thì khó vực dậy được”, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ ý kiến các đại biểu thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện Đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ chậm nhất vào ngày 25/3. Theo đó, đánh giá lại và đề xuất phương án tối ưu nhất. Phương án phải khả thi, hiệu quả, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí, trình tự thủ tục phải rõ. Các đơn vị liên quan phải kiên trì, lắng nghe, cầu thị trên tinh thần vì việc chung, thống nhất, đoàn kết xử lý khó khăn này.

Đọc thêm