Như 8 tuyến xe buýt khác, 7h ngày 25/4, xe buýt mang biển kiểm soát 88B-01073 chạy tuyến 06 Vĩnh Yên – Quang Sơn rất vắng khách. Trên xe chỉ có 3 khách đi từ khu công nghiệp Khai Quang về thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương.
Lái xe Đỗ Tiến Việt cho biết, mấy ngày qua là những ngày anh nhàn nhất trong 10 năm chạy xe buýt, bởi tuyến 06 luôn là một trong ba tuyến có khách đi xe đông nhất tỉnh. Trước Tết Canh Tý, vào giờ cao điểm, thường có 85 - 100 khách. Công nhân, học sinh thường phải nhanh chân, đứng chật cứng trên xe. Giờ thấp điểm cũng 35 - 50 lượt khách.
Tuy nhiên, từ ngày 23/4 đến ngày 26/4, giờ cao điểm xe có 15 - 20 khách; giờ thấp điểm có 5 - 7 khách, thậm chí có lượt chỉ có 2 - 3 khách đi từ đầu bến đến cuối bến nên xe không phải dừng, đỗ tại các điểm đón, trả khách.
Lượng khách đi tuyến 03 Vĩnh Yên – Sông Lô, Lập Thạch những ngày này cũng chỉ đạt khoảng 20% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe buýt biển kiểm soát 88B-00172 tuyến 03 cho biết: Trước đây, xe chạy vào khung giờ 5,6 giờ sáng từ bến xe thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô đến xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch là đã chật cứng, với khoảng 70 - 80 khách/xe. Nhưng từ ngày 23/4 đến nay, lượng khách đi xe rất ít, có lượt chưa đến 10 người.
Thống kê của Công ty cổ phần ô tô Vĩnh Phúc, tình trạng xe chỉ có 2 - 3 khách đi trên 1 lượt xe như tuyến 03, 06 là chuyện bình thường trong 4 ngày các tuyến xe buýt hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Cùng với xe buýt, những ngày này, xe khách, xe taxi cũng rất vắng khách. Anh Trịnh Văn Kiên, chủ nhà xe Kiên Cường chạy tuyến cố định Sông Lô – Lập Thạch – Mỹ Đình cho biết, gia đình anh có 11 năm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô 29 chỗ, với 2 đầu xe, xuất phát lúc 6h15 và 7h15 tại điểm đầu xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Trung bình mỗi lượt, xe có khoảng 22 - 28 khách. Còn vào các ngày cuối tuần hay ngày lễ, Tết có 36 – 40 khách/lượt, với giá 50.000 đồng/lượt/khách. Trừ chi phí xăng dầu, lệ phí cầu đường, bến bãi, mỗi xe thu lãi khoảng 1,3 -1,6 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm, hoạt động của nhà xe không có lãi; từ ngày 23/4 đến ngày 26/4, mỗi ngày nhà xe phải bù lỗ từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/lượt xe.
Theo anh Kiên, nguyên nhân phải bù lỗ là do trong 4 ngày hoạt động trở lại, chưa hôm nào nhà xe Kiên Cường đón được 10 khách/lượt, thậm chí có hôm chỉ có 3 - 4 khách đi, với tổng tiền vé là 200.000 đồng. Trong khi đó, mỗi lượt xe chạy từ Quang Yên về Mỹ Đình hết 35-38 lít dầu, tương đương với 350.000 đồng – 400.000 đồng tiền dầu và 180.000 đồng tiền phí cầu đường, bến bãi. “Dù vắng khách và phải bù lỗ nhưng nhà xe vẫn phải chạy theo đúng lịch trình để giữ khách, giữ tuyến”, anh Kiến khẳng định.
Ông Hoàng Long Biên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay trong ngày đầu hoạt động trở lại, Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động, công tác phòng chống dịch trên hệ thống xe buýt, xe khách, xe taxi. Nhìn chung, các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng chống dịch, 100% lái xe, phụ xe, hành khách đi xe đeo khẩu trang.
Cũng theo ông Biên, đối với 208 xe khách hoạt động liên tỉnh, điểm xuất phát từ Vĩnh Phúc đi 20 tỉnh, thành trong cả nước, Sở đã yêu cầu các xe hoạt động theo đúng Văn bản số 3864 của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, xe khách chạy tuyến cố định liên tỉnh chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp. Xe hợp đồng, xe du lịch chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp. Trên mỗi chuyến xe, lái xe, nhân viên phục vụ phải cập nhật danh sách hành khách và hướng dẫn hành khách khai báo y tế theo quy định.