Vùng hồ trong mùa nước cạn
“Về sông Đà mùa này, nếu đi xuôi từ Vạn Yên về Nam Phong, chỉ có duy nhất đi bằng đường thủy...”. Đó là lời chỉ dẫn của cánh xe ôm khi chúng tôi dò đường, ngược từ Phù Yên lên Quỳnh Nhai (Sơn La). Trước cảnh thuyền bè mắc cạn bùn lầy, nước chảy xiết vì đang trong “mùa cạn” thì việc đi “phượt” như vậy rất khó khả thi.
Thế nhưng, cái thú tưng tửng ấy không vì thế mà bị ngăn trở, tôi và anh bạn đồng nghiệp quyết định tạm đi bằng đường bộ, tuyến Vạn Yên - Bắc Phong để từ đó mà tới Quỳnh Nhai rồi lại từ khu này lội ngược con nước để trở về xuôi. Nói thì dễ, chứ có đi mới thấy để đến được địa điểm định sẵn là cả một chặng đường gian nan.
Đến địa phận Bắc Phong, cả tuyến đường đang trong quá trình nâng cấp nên xuất hiện la liệt những vũng đất lầy trơn trượt. Cứ cách quãng dăm mét lại có những hầm hố như vậy, chúng ườn ra đường khiến chiếc xe máy chở hai kẻ phượt nghiệp dư như chúng tôi phải liên tục rồ ga, văng ngang, lồng lộn như chú ngựa bất kham, mãi mới vượt qua nổi đoạn đường dài chưa đầy 2km.
Đến địa phận xã Đá Đỏ, chúng tôi tiếp tục xuống bến Đá Phổ (Bắc Phong) để ngược lên lòng hồ bằng đường thủy. Chiếc thuyền sắt nhỏ gọn, chòng chành đưa chúng tôi rời bến, ngược dòng sông Đà. Dọc hai bên bờ sông Đà mùa này, những bãi bồi ẩn hiện rồi như nối nhau trải dài hàng chục cây số. Đây đó, ngay sát ven sông, tiện lúc cạn nước, cây cỏ phủ xanh rì, từng đàn trâu bò ung dung gặm. Những quả núi lô nhô như hình bát úp, quanh năm ngập trong dòng nước cũng kịp vằn vện, phủ lên màu cỏ xanh mướt mát.
Chợ cá sớm của ngư phủ sau buổi kéo cá trên lòng hồ sông Đà |
Lò Văn Toàn, người cầm sào làm hoa tiêu trên mũi thuyền, thi thoảng lại quay sang góp chuyện với chúng tôi. Toàn kể, anh quê mãi tận vùng Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) nhưng cứ quanh năm bỏ vợ, bỏ con ở nhà để lênh đênh theo con nước như vậy. Hỏi vì sao, anh cười hềnh hệch rồi đáp gọn lỏn: “thích”. Cái thú của người hoa tiêu này thực cũng kỳ lạ, nó khiến Toàn chẳng thể nào ở yên một chỗ như người khác. Có nhiều lúc anh cũng tự trách mình ít có thời gian dành cho vợ con. Thế nhưng, đã gọi là tính cách thì chẳng mấy khi đổi được, hoặc giả nếu không còn cái thú thích lênh đênh, lững lờ trôi như con nước chắc gì cô vợ đã say anh như điếu đổ.
Nhiều lần đưa thuyền đi lại trên đoạn này, Toàn nói khung cảnh hồ sông Đà vào mùa cạn là đẹp nhất. Chẳng phải nói quá vì thực mắt mới thấy, sông Đà mùa này hiện sau những trảng cát, bãi bồi là những đoạn uốn khúc rồi chảy hiền hòa đến lạ. Nước bớt sâu, bà con đôi bờ sông tranh thủ lúc đi làm về qua sông giăng lưới bắt cá. Nhiều mẻ họ bắt được hàng yến cá, ăn không xuể, bán chẳng ai mua, đành phơi khô để ăn dần.
Đi tiếp sang phía bờ tả ngạn sông Đà, những khối phù sa bồi đắp do nước xoáy vào sườn đã làm từng tảng, từng khối đất lần lượt đổ ụp xuống dòng sông cuộn sóng. Chúng tôi phải ra giữa dòng để đảm bảo an toàn và ngược sóng bằng kinh nghiệm đi theo hình vắt sổ để cập bến an toàn.
Mùa săn cá sặc bùn
Từ cuối tháng 6 đến thời điểm này, về vùng hồ sông Đà, nếu may mắn sẽ gặp đúng dịp cá sặc bùn. Còn nhớ, vào buổi trưa ở xã Đá Đỏ (Phù Yên), anh Đinh Hạnh, Trưởng bản Tang Lang khi thấy sấm chớp phía thượng nguồn thì tỏ vẻ khấp khởi, vui mừng ra mặt. Thì ra, khi có mưa lũ cũng là dịp cá sặc bùn trôi dạt, chúng dồn dập kéo nhau xuôi dòng từ thượng nguồn về.
Bản Tang Lang trong trận mưa này bỗng rộn rã hẳn. Từ đầu sàn, ngoài tiếng ì ầm của đất trời, Ta Lang còn nô nức bởi những tiếng xôn xao, họ gấp gáp chuẩn bị phương tiện, í ới gọi nhau ra sông đón bắt cá. Một người trong bản kể, thời điểm này năm trước cũng là lúc lũ về. Lũ tràn đến, ở các nơi thì đáng sợ chứ ở đây nó là điềm tốt, nó giúp báo hiệu mùa cá sặc bùn đã về.
Ấy nhưng cũng kỳ lạ bởi không phải chỗ nào, đoạn nào cũng có cá sặc bùn để mà “thu hoạch”. Nghe đâu, cá cũng chỉ dồn dập trong khoảng chiều dài hơn 10km ở Tang Lang mà thôi. Vì sao ư? Bởi vùng này có nhiều núi đá cao án ngữ, dòng sông quanh co, nước sâu, tạo nhiều khúc quẩn nên cá khi dạt về đây bị nước “đánh” cho yếu đi rất nhiều, chúng lử đi, dồn lại thành từng chặp, buông xuôi theo dòng lũ xiết. Mỗi năm, nhiều lắm cũng chỉ đôi bận có cá sặc bùn. Đang mải nghe chuyện, bỗng chốc dòng sông đục ngầu, cuồn cuộn chảy dồn về.
Đứng trên mạn thuyền, ngó kỹ xuống mặt nước đục ngầu thấy không những cá mà cả tôm tép cũng dạt về đây rồi nổi lên thành từng đám như đàn kiến, đặc kín vùng nước lặng. Chúng tôi ai nấy đều háo hức nháo nhào táp thuyền vào bờ, cầm dao, vợt chạy dọc mép nước thi nhau vây bắt, chọn những con cá to rồi cùng nhau hò reo quăng lên thuyền.
Thu hoạch cá lồng nuôi trên lòng hồ sông Đà ở Quỳnh Nhai |
Khi màn sương sớm vẫn còn dày đặc trên mặt sông cũng là thời điểm những ngư phủ trên dòng Đà giang chèo thuyền đi thu lưới. Tôi gặp ông Lò Văn Khặn (sinh năm 1966) ở bản Bung, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai khi ông đáng mải miết kéo lưới trên sông Đà. Theo lời ông Khặn, nơi đây vốn là xã vùng cao, chỉ sau khi có công trình Thủy điện Sơn La, hình thành vùng lòng hồ thì người dân mới sắm thuyền, lưới để bắt cá.
Lòng hồ thủy điện có 2 mùa nước là mùa nước nổi và mùa nước cạn. Công việc đánh bắt thủy sản ở đây chủ yếu thực hiện được vào mùa nước nổi kéo dài khoảng 5 tháng/năm. Ngoài ra, để phát triển kinh tế vùng tái định cư, những hộ dân trong vùng còn mạnh dạn đầu tư, phát triển nuôi cá bè.
Chẳng thế mà Chiềng Bằng được biết đến như một địa phương có diện tích chăn nuôi thủy sản lớn nhất nhì Quỳnh Nhai. Nơi đây tập trung trên 72ha nuôi trồng thủy sản với 155 lồng cá, tổng sản lượng cá nuôi ước đạt 36 tấn. Ngưng tay lưới, tôi hỏi vui về thu nhập, ông Khặn chẳng giấu mà thật thà đáp: “Gia đình tôi có 4 khẩu, thu nhập từ tiền bán cá lãi 400 triệu đồng/năm”. Thế mới biết, kinh tế vùng lòng hồ sông Đà đang từng ngày phát triển mạnh mẽ như thế nào.
Ngồi trên thuyền, tôi đếm được tới 4 loại lưới và 1 loại đó - công cụ mà ông Khặn và những người dân ở đây dùng để bắt tôm, cá. Có loại chỉ giăng trên mặt nước để bắt cá chép, có loại lại thả xuống lòng sông để bắt cá trắm, cá nheo… Nheo đôi mắt hướng về phía các dãy lồng nuôi cá, ông Khặn kể: “Những năm trước lòng hồ nhiều cá hơn, có ngày thu lưới được hàng chục kilôgam, chủ yếu là cá lăng, cá nheo, cá trắm, cá chép, cá mè và tôm. Có những khi cất lưới được những con cá trắm, cá chép nặng cả yến”.
Cá cất lên sẽ được bán vào buổi sáng cho các nhà hàng, quán ăn hay người dân trong bản. Đem ra chợ sớm bán cũng thu được 600.000 – 700.000 đồng, có ngày lại chẳng được con nào. Nhưng tính trung bình, mỗi ngày cũng thu nhập được 200 – 300.000 đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình.
Tiếp tục xuôi thuyền đến khu vực cầu Pá Uôn, nơi được mệnh danh “thủ phủ” của những người nuôi cá lồng. Nói vậy chẳng phải ngoa vì địa điểm này tập trung nhiều hộ dân, hợp tác xã thủy sản tham gia nuôi cá dưới lòng hồ thủy điện. Bà Vũ Thị Lợi, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Hạnh Lợi là người có diện tích nuôi cá lớn nhất trong vùng. Người đàn bà quê Thái Bình này có tới 32 lồng cá (14 lồng cá nheo, 7 lồng cá tầm, còn lại là cá chép, cá trôi, rô phi...), tính trung bình mỗi năm nơi đây xuất bán khoảng 10 tấn cá, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Sau hành trình một ngày khám phá lòng hồ, chúng tôi nghỉ chân tại một bản người Dao có cái tên lạ lẫm Ngài Thầu. Đây là một bản tái định cư của xã Căn Co. Tuy là bản tái định cư nhưng khi di cư lên bản mới, người dân vẫn giữ được kiến trúc nhà trệt cổ của mình. Tại đây, ngoài việc được thưởng thức món ăn như cơm trắng, cá sông, rau rừng, chúng tôi còn được thưởng thức các điệu múa cổ và các bài ca giao duyên truyền thống mà các thanh niên dân tộc Dao thường hát khi đi tìm người yêu. Trong câu chuyện bên mâm cơm sắp tàn, một người dân Ngài Thầu bộc bạch: “Bà con bản mình chỉ có cái tình để đãi khách thôi. Đây là lần thứ hai, bà con trong bản được đón khách từ nơi khác về. Khách về bản, bà con thích lắm, cả bản như có hội...”./.