Phút ghen ghét mờ mắt của người bán bún riêu bị tranh khách

(PLO) -Sự việc khiến nhiều người sinh sống quanh khu vực đường Nam Cao (phường Tân Phú, quận 9, TP HCM), khi nồi nước bún riêu của chị Trần Thị Bạch Tuyết (36 tuổi) bị người cô họ là Hồ Thị Ngọc Điệp (52 tuổi) đầu độc bằng thuốc diệt chuột. Nạn nhân chưa thể trở lại việc bán buôn vì không có khách và tinh thần vẫn còn hoảng loạn. 
Nạn nhân kể lại giây phút phát hiện nồi nước bún có nhiều điểm bất thường

Nồi nước nổi bọt bất thường

Nhà của chị Tuyết nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Nam Cao. Nói là nhà nhưng chỉ là một gian phòng chật chội, lụp xụp để chị và người con gái 3 tuổi cư ngụ. Chị Tuyết hàng ngày đều bán hàng bún ở ngay đầu con hẻm để mưu sinh.

Người phụ nữ hai mắt đỏ hoe trần tình “mấy hôm trước tui sợ quá nên không làm lụng được gì. Mẹ con tui sống nhờ vào tình thương của hàng xóm láng giềng. Hôm qua tui mới trấn tĩnh lại được, bớt sợ hãi hơn nên đến cơ quan công an xin bãi nại cho cô Điệp và xin được lấy chiếc nồi về để bán buôn lại, nhưng không được vì đang trong quá trình điều tra”.  

Khoảng 3h sáng hôm đó, chị phải thức dậy để chuẩn bị nồi nước lèo như thường lệ. Sau khi đã chuyển đồ từ nhà ra đầu hẻm, chị bắc nồi nước cua lên bếp gas, bật lửa; cạnh đó là hai nồi nước trong đang được đun sôi trên bếp than. Khi nồi nước cua vừa sôi, chị Tuyết nêm nếm gia vị nhưng phát hiện bịch bột ngọt vừa hết.

Chị kể: “Tui lấy chiếc vung nồi đậy lại cẩn thận rồi mới đi bộ vào nhà (cách nơi bán bún khoảng 100 mét – PV) lấy gia vị. Khi tui trở ra, mở vung nồi định cho thêm bột ngọt vào thì thấy trên mặt nước đang sôi sùng sục có lớp váng bọt dày màu bạc và lớp hạt li ti màu nâu như tro bếp nổi phập phồng, khác với nồi nước bình thường.

Tui nghĩ bụng “chắc có ai bỏ tro bếp vào nồi”. Nhưng lúc đó còn tờ mờ sáng nhìn quanh chẳng thấy ai ngoài cô Điệp (cách nơi chị Tuyết bán hàng khoảng 200 mét – PV) nên ý nghĩ đó lại nhanh chóng bị gạt đi”. 

Vì mỗi buổi sáng chị chỉ nấu một nồi nước, bán hết thì nghỉ chứ không bán thêm. Do vậy, để “cứu” cái “cần câu cơm” duy nhất trong ngày của mình và lại đã sắp đến giờ mở hàng, chị Tuyết nghĩ cách tiếp tục đun sôi để lớp bọt nổi lên rồi vớt đi.

“Tui càng đun, nồi nước càng đổi màu bất thường, bọt nâu và hạt ti ti vớt mãi cũng không hết. Tui nhớ lại, nếu là tro bếp thì khi đun trong nước sẽ bị tan ra chứ đâu như vậy. Thấy lạ quá nên đang mờ sáng tui phải chạy vào đánh thức nhà hàng xóm.

Vợ chồng người hàng xóm chạy ra cũng bảo “rất lạ” làm tui càng thêm sợ hãi. Đột nhiên, có người nói “nhà cô có đặt camera, vào xem thử đã có chuyện gì?”. Khi tui và mọi người vào mở hình ảnh lên xem thì thấy cô Điệp nhân lúc tui đi vào nhà đã lén đến mở vung nồi cho thứ gì đó vào bên trong”. 

Chị Tuyết tiến đến hỏi bà Điệp cho rõ ràng mọi việc nhưng bà Điệp cho rằng mình chỉ đứng cạnh chiếc nồi để chơi chứ không hề bỏ chất gì vào. Sự việc được trình báo lên cơ quan công an phường. Sau một hồi đấu tranh, bà Điệp khai nhận vì thù tức gia đình chị Tuyết do tranh chấp đất đai và cho rằng người cháu đã “cướp” khách của mình nên mới cho thuốc chuột vào nồi nước.

Nơi chị Tuyết hơn 1 tháng nay mở hàng bán bún riêu

Vì tranh chấp đất, hay vì tranh khách?

Nạn nhân quê gốc ở Đồng Nai, gia cảnh ở quê cũng nghèo túng. Khi quen biết và kết hôn với người chồng hiện tại, chị theo chồng về quận 9 cùng làm ăn sinh sống. Trước đây vợ chồng chị mưu sinh bằng nghề làm thuê làm mướn, “thợ đụng”, ai thuê gì cũng làm. Bốn đứa con lần lượt ra đời. Tuy cuộc sống không dư giả gì nhiều nhưng “thắt lưng buộc bụng” vẫn đủ lo lắng cho các con ăn học. 

Chị Tuyết cho hay: “Cha mẹ chồng tuy không giàu có nhưng để lại cho vợ chồng tui mảnh đất khá rộng. Khi đó, khu công nghệ cao ở gần nhà đã đi vào hoạt động, công nhân đến xin làm việc rất đông. Vợ chồng bàn bạc nhau vay mượn ngân hàng để xây dựng hai dãy nhà trọ cho người ta thuê. Ban đầu cũng làm ăn khấm khá lắm nhưng rồi dần ảm đạm đi”. 

Việc làm ăn càng trở nên khó khăn, chồng của chị đã tiếp tục nghĩ cách mở xưởng để kinh doanh, số nợ ngân hàng ban đầu vẫn chưa trả được nay càng tăng, lên đến hơn 2 tỷ đồng. Nhưng rồi, vợ chồng chị lại tiếp tục lâm vào thất bại, nợ nần chồng chất.

Khoản vay “khổng lồ” không có khả năng chi trả được nên toàn bộ gia sản đã bị ngân hàng siết nợ, hai dãy phòng cho thuê bị cưỡng chế, đập phá nay chỉ còn lại mảnh đất trống bên cạnh nhà đang được ngân hàng phát mãi. Tài sản duy nhất của vợ chồng chị là căn nhà rách nát, lụp xụp làm nơi che nắng che mưa, điện và nước đều đã bị cắt, phải dùng nhờ nhà hàng xóm.

“Mấy năm nay, nhà tui đều được phường cấp cho giấy chứng nhận hộ nghèo. Hai đứa con đầu vì không có tiền tiếp tục đi học nên phải nghỉ giữa chừng nhường cơ hội đi học cho em. Chồng tui vì quá buồn nhưng vẫn phải lặn lội lên Bình Dương làm thuê. Tui vừa sinh đứa con thứ 4 (nay 6 tháng tuổi – PV), khó khăn càng chồng chất.

Khi bé được 6 tháng, cũng là lúc cai sữa nên vợ chồng chia nhau mỗi người một nơi gắng làm việc kiếm thêm tiền. Anh mang đứa bé và hai đứa con lớn cùng lên Bình Dương. Giờ đi làm thì anh gửi người quen chăm hộ, khi về thì cha con sống dựa vào nhau. Còn tui ở lại đây, từ sáng sớm đã thức dậy để chuẩn bị đồ hàng, bán xong thì chăm sóc cho con (con thứ ba mới 3 tuổi –PV)”. 

Cách nhà chị Tuyết chưa đến chục bước chân là căn nhà cũng lụp xụp cũ kỹ của mẹ con bà Điệp. Nói về người đã đầu độc nồi bún của mình, chị Tuyết nghẹn giọng kể, bà Điệp là người phụ nữ “số khổ”. Bà không có chồng, nhiều năm nay bán bún riêu cua ven đường, một mình nuôi con gái (người con nay đang học lớp 11 – PV). Giữa chị và bà Điệp có mối quan hệ họ hàng xa bên nhà chồng. Bà Điệp gọi chị Tuyết là cháu dâu. 

Bà Điệp đã bán bún riêu được khoảng 20 năm. Hồi trước, bà bán ở chỗ của chị Tuyết bán bây giờ. Người cháu dâu cho hay: “Từ khi vợ chồng tui lâm khốn khó, tuy bà Điệp không giàu có gì nhưng đã giúp đỡ gia đình tui rất nhiều. Bà nhận tui làm phụ quán, phụ bếp, dọn dẹp bàn ghế, quét dọn. Mỗi ngày 100 nghìn đồng. Tui làm cho bà được khoảng 2 năm. Cách đây hơn 1 tháng, bà có tranh chấp đất với cha chồng tui. Vì giận nên bà chuyển đồ đạc đến chỗ khác bán. Còn tui ngại phải đi xa nên đã mở hàng bán”.  

Ban đầu chị bán cháo lòng, bà Điệp cũng ủng hộ, cho bàn ghế. Được một thời gian, cháo lòng ế khách nên chị chuyển qua bán bún riêu, khách khứa dần đông lên. Cũng từ đó, tình cảm cô cháu bắt đầu bị rạn nứt.

“Cô sang chỗ tui tỏ ý trách móc tui “cướp” khách. Cô đòi lại bàn ghế, tui phải đi mua đồ mới. Nhiều khi thấy cô đi qua đi về, tui chào hỏi nhưng cô không trả lời... Có lẽ, vì giận cha tui đã đòi lại đất và nghĩ rằng tui “cướp” khách nên cô sinh thù tức, trong lúc tức giận hồ đồ nên mới dại dột như vậy.

Cũng may vì tui chưa nếm thử cũng chưa mở hàng bán được tô nào. Nếu không thì hậu quả tui không hình dung được. Giờ tui chỉ hi vọng cô nhận ra được lỗi lầm, được pháp luật khoan hồng để sớm trở lại cuộc sống bình thường nuôi con”. 

Đọc thêm