Podcast chữa lành: Nốt lặng của người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Kể cho tôi nghe, mùa đông rất khẽ, phượng buồn im re, sẽ rất nắng hè. Kể cho tôi nghe chuyện đời lê thê, ngọt bùi nhiêu khê, cay đắng gắt kề. Kể cho tôi nghe,…”. Bằng giọng hát nhẹ nhàng, êm dịu như một lời tâm sự trong chương trình đêm khuya của những năm 90, người trẻ đang cất lên tiếng nói của mình, để chia sẻ và xoa dịu đi trái tim đang lạc lõng giữa dòng đời vội vã.
Nhiều người trẻ tìm đến podcast để “băng bó” lại vết thương trong tâm hồn. (nguồn: Thuần Radio)
Nhiều người trẻ tìm đến podcast để “băng bó” lại vết thương trong tâm hồn. (nguồn: Thuần Radio)

“Căn phòng” của những kẻ cô đơn

Podcast chữa lành không phải là kênh radio mà thính giả có thể nghe mọi lúc, mọi nơi. Muốn thẩm thấu được các podcast này, phải “đồng hành” cùng người sáng tạo nội dung, ngồi trong một không gian yên tĩnh, nhắm hờ đôi mắt. Vừa thưởng thức thế giới, vừa chiêm nghiệm những giá trị cuộc sống thông qua các câu chuyện bình dị.

Podcast đặc biệt ở chỗ, người nghe và “tác giả” trở thành bạn tâm giao, cùng nhau xua đi những giây phút cô đơn. Đó là nhu cầu được lắng nghe, giãi bày tâm sự và khao khát đồng cảm của người trẻ. Câu chuyện của podcast có thể kể vào một đêm mưa lâm râm hay giờ phút buồn vu vơ “không biết vì sao buồn”.

Thuần Radio, kênh Podcast nổi tiếng của một cô gái thuộc thế hệ 10x, hiện là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Thuần Radio đúng chất như cái tên, Podcast của cô mộc mạc, giản dị. Ngày từ số đầu tiên, cô đã chia sẻ câu chuyện của người trẻ cô đơn ở thời đại công nghệ Internet, khi con người có thể kết nối với hàng nghìn bạn bè mỗi ngày, nhưng lại lạc lõng trong những ô chat nhỏ nhoi.

Thuần Radio đã tâm sự tại kênh podcast của bản thân: “Một mình trong bệnh viện khiến tôi khao khát một người có thể giãi bày tâm sự. Tôi nhìn những chấm xanh vừa quen, vừa lạ, xong nhập bằng chữ, rồi lại xóa đi. Cảm xúc rất ngổn ngang, dù biết mình muốn nói ra, nhưng lại rối như tơ vò”.

Hay đó là câu chuyện của chủ nhân kênh “Mây podcast” thu hút hàng trăm nghìn lượt nghe. Lần đầu cô gái 9x làm podcast vì cảm nhận được nỗi đau, sự vô thường, mất mát khi người yêu đột ngột qua đời. Podcast của cô cứ như vậy ra số đầu tiên vào mười một giờ đêm một ngày mang nhiều ưu tư trong lòng.

Cũng có thể là những chuyện tình cảm tuổi thanh xuân được Podcast “Radio người giữ kỉ niệm” chia sẻ. Bằng giọng đọc trầm ấm của Thái Đinh và lời tâm sự thủ thỉ, dịu dàng của Cẩm Ly, hai người đọc dấu mặt đã kể lại những cảm xúc, suy tư thầm kín của các cô cậu học sinh.

Như người anh, người chị nhẹ nhàng an ủi đứa em nhỏ, “Radio người giữ kỉ niệm” giống một cái ôm vô hình dành cho những tâm hồn non trẻ lần đầu va vấp cuộc đời. Mỗi Podcast lại giúp cho người nghe đồng cảm, sống lại từng giây phút tuổi học trò “Em chỉ cần một người giãi bày thôi đúng không? Em hiểu rõ hơn ai hết mà” hay “Chắc em đã đau đáu khi gửi những lời tâm sự này… Hãy khóc thật to lên”.

Những kênh Podcast của giới trẻ đã tạo ra một không gian, giúp họ “ẩn danh”, “giấu mặt”, để giãi bày, chia sẻ tiếng lòng, câu chuyện và trải nghiệm của bản thân. Từ đó, podcast đưa thính giả đến gần hơn với những người đang ở độ tuổi thanh xuân nhưng ẩn chứa bên trong là sự cô đơn, lo lắng và hoang mang.

Podcast cũng dần trở thành “điểm tựa tinh thần” cho con người, đặc biệt là giới trẻ. Thật vậy, dù podcast ra đời tương đối sớm từ những năm 1980, xuất hiện dưới tên gọi “blog âm thanh”. Nhưng nó lại phát triển mạnh mẽ nhất vào năm 2020, 2021, khi con người chìm trong sự “khủng hoảng” của dịch bệnh COVID-19. Cả thế giới đều không thể gặp nhau, con người cô đơn hơn bao giờ hết. Hàng trăm nghìn người đã tự sát vì không chịu nổi việc phải sống một mình.

Lúc ấy, Podcast thành người bạn vô hình tâm sự với họ. Mỗi podcast chữa lành thường chia sẻ những câu chuyện nhẹ nhàng, tích cực, lành mạnh, khiến cho nhiều người dần quên đi lo lắng, sợ hãi. Còn hiện nay, giữa một xã hội đang ngày càng phát triển nhanh, với guồng quay bất tận của công việc, gia đình, học tập. Thì Podcast trở thành khoảng lặng, để người trẻ ngồi một mình, suy ngẫm và tiến sâu hơn vào thế giới nội tâm.

Xoa dịu tâm hồn bằng câu chuyện bình dị

Trần Lê Thu Giang (31 tuổi) - một Youtuber kiêm chủ nhân kênh podcast mang tên “Giang ơi” với hàng trăm nghìn lượt nghe, đã tâm sự, cô từng trượt một cuộc thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn với lời phê: “Văn giống như văn nói”. Cô cho biết, bản thân lúc ấy rất xấu hổ, nhưng khi lớn lên nhờ những câu chữ bình dị, không màu mè, mà lời nói của Giang đến gần hơn với người dùng mạng xã hội.

Podcast là nơi mà người trẻ “tĩnh” lại để cảm nhận cuộc sống. (nguồn: Spotify.com)

Podcast là nơi mà người trẻ “tĩnh” lại để cảm nhận cuộc sống. (nguồn: Spotify.com)

Ca sĩ Vũ trong một Podcast đã nói, khi xem lại phim của Châu Tinh Trì, anh rất xúc động lúc nghe câu thoại: “Nếu còn có cơ hội, tôi nguyện nói với cô ấy ba chữ “Anh yêu em”. Nếu phải thêm một kỳ hạn vào lời hứa này thì tôi muốn là một vạn năm”. Anh vô cùng thích câu nói ấy, thậm chí khi nghe xong, anh suýt đặt tên cho album mới là “Một nghìn năm”. Cuối cùng vì nhiều lý do, anh đã không dùng tên đó cho album của mình.

Podcast của người trẻ ngày nay, không chia sẽ điều to lớn, vĩ đại. Họ kể về những giây phút rung động rất đời thường, mà bất kỳ ai cũng có thể trải qua. Đó là mùi thơm của tách cà phê buổi chiều muộn, hay giây phút hân hoan khi Tết đến. Như kênh của Thuần Radio với lời tâm sự bâng quơ về mọi khía cạnh đời sống gần gũi và chân thực “Đã sống ở Sài Gòn phải ăn một đĩa cơm tấm, uống một cốc nước sâm mới trọn vẹn”.

Đôi lúc, Podcast chỉ đơn giản là những suy nghĩ, chênh vênh của người trẻ khi bước vào con đường trưởng thành. Như kênh podcast “Giang ơi” là tâm sự về câu chuyện làm người lớn. Từ việc đi siêu thị, đi du lịch, đi thi của người lớn. Cho đến người lớn cũng có lúc cô đơn, hoang mang trong cuộc sống này.

Không chỉ chia sẻ những chuyện đời thường, Podcast còn là nơi người trẻ cùng nhau “vá” lại vết thương lòng. Bằng những trải nghiệm, lời khuyên, các kênh podcast đã cho người trẻ biết rằng họ không cô độc trong thế gian này. Những rắc rối, trở ngại của họ, cũng có rất nhiều người từng gặp và đã vượt qua.

Như kênh Podcast Monet’s Talk and Touch của Linh - một cô gái trẻ đã đi qua giai đoạn trầm cảm, áp lực, tự ti để chia sẻ câu chuyện, nhằm giúp thính giả có thể chữa lành tâm hồn. Linh tâm sự trên kênh, cô có một tuổi thơ cô đơn, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cả bố và mẹ. Lớn lên, Linh sống trong mặc cảm, định kiến của mọi người. Cô chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ thu âm được những Podcast với đông đảo lượt nghe như hiện nay. Linh từng nói: “Ai cũng có giai đoạn đi xuống, biến mất, tôi không thể nào chịu đựng được, tôi thật vô nghĩa”.

Cùng với trải nghiệm “xương máu” hàng năm trời để tự chữa lành, Linh và kênh Monet’s Talk and Touch đã chia sẻ cho thính giả cách để vượt qua vấp ngã và tự ti. Mỗi podcast, là một câu chuyện, suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống từ chính người làm. Cuối Podcast, Monet’s Talk and Touch sẽ đưa ra biện pháp hữu ích đã được “chính chủ” thử nghiệm và kiểm chứng.

Và nói về Podcast chữa lành đem đến năng lượng tích cực, chắc chắn không thể bỏ qua “Giang ơi”, mỗi tập là suy nghĩ, trăn trở của một cô gái đang dần “trở thành người lớn”. Ở ngưỡng cửa đó, họ có tâm lý trưởng thành hơn để nhìn nhận lại cuộc sống. Cô nhớ về những kỳ thi vốn được coi là quan trọng của học sinh, sinh viên, trở nên thật đơn giản, thực tế. Cô nói về chuyện thất tình khi còn trẻ trung, ngây ngô. Thậm chí cả chuyện đời thường như đi chơi, ở nhà, sinh con, cũng được “Giang ơi” nhìn nhận các góc độ, chiều sâu khác nhau, khiến thính giả “vỡ” ra nhiều ý nghĩa. Để đến kết thúc, “Giang ơi” luôn cho khán giả những lời khuyên thực tế, giúp họ dần nhận ra, khi nhìn bằng một tâm thế khác, có những việc không đáng sợ như tưởng tượng.

Podcast chữa lành vì vậy, đã dần trở thành “nguồn tích cực” cho giới trẻ. Nơi họ có thể nói, chia sẻ tất cả những suy nghĩ, tâm sự, góc nhìn, chiêm nghiệm của bản thân trong cuộc đời này. Điều ấy giúp cho người trẻ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, khi biết thế giới chưa bao giờ bỏ quên họ và họ không cô đơn trong cõi đời này.