Không đề cập đến ngân hàng nào sẽ được Tcty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC ) lựa chọn để sáp nhập, song đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong buổi họp báo hôm qua - 8/10 - cho biết, PVFC phái sáp nhập vào một ngân hàng nào đó trước khi thoái vốn…
Ước 9 tháng đầu năm PVN đã tiết giảm khoảng 2.280 tỷ đồng so với cam kết cả năm là 3.715 tỷ đồng |
Chủ tịch HĐTV PVN, ông Phùng Đình Thực cho biết, Chính phủ đã họp xem xét về Đề án tái cấu trúc PVN giai đoanh 2012-2015 vào ngày 16/8 vừa qua. Thực hiện thông báo kết luận số 309/TB-VPCP ngày 28/8/2012 của Văn phòng Chính phủ, tập đoàn đã hoàn chính đề án tái cấu trúc tập đoàn giai đoạn 2012- 2015 trình Bộ Công thương thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời đang hướng dẫn các đơn vị thành viên hoàn chỉnh đề án trình tập đoàn xem xét phê duyệt.
“Đối với PVFC, Tập đoàn đã làm việc với Chính phủ và đã xây dựng phương án thoái vốn. Thoái vốn phải có lộ trình. Nếu mô hình như hiện nay thì không thoái được vì tới đây mô hình hiện nay của tổng công ty này trong tập đoàn sẽ không tồn tại nữa, nếu cứ để nguyên đó thì bán sẽ không ai mua. Để thoái vốn được chỉ còn cách là phải sáp nhập vào một ngân hàng nào đó để thực hiện đúng chức năng là tài chính ngân hàng. Hiện PVN đang phối hợp với các bộ, ngành để tích cực tìm kiếm một ngân hàng thương mại nào đó để sáp nhập PVFC vào ngân hàng đó, sau đó mới tính đến việc thoái vốn khỏi tổng công ty này. Dự kiến đến 2015 sẽ còn khoảng 20%, sau đó sẽ thực hiện dần về 0%”- ông Thực cho biết.
Về điều kiện lựa chọn ngân hàng để PVFC “chọn mặt gửi vàng”, ông Thực lưu ý, đây là sáp nhập chứ không phải mua bán, chuyển nhượng gì, do vậy sẽ lựa chọn ngân hàng phù hợp. Đặc biệt, ngân hàng được chọn phải là minh bạch, rõ ràng để có thể xử lý tất cả các khoản nợ, nợ xấu trước khi sáp nhập. Cùng với đó, việc sáp nhập này sẽ được thực hiện theo tỷ lệ vốn điều lệ của ngân hàng và sẽ có sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Hiện PVN đang nắm 78% vốn tại PVFC.
Về việc thoái vốn của PVN tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), ông Thực cho biết, trong đề án tái cấu trúc, tập đoàn sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi lĩnh vực ngân hàng, việc thoái vốn tại Ocean Bank dự kiến thực hiện từ nay đến 2015. Hiện tập đoàn này nắm 20% vốn điều lệ của OceanBank và theo Điều lệ sửa đổi vừa được đại hội cổ đông ngân hàng này thông qua, giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức sẽ phải giảm xuống 15%.
“Việc thoái vốn phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Đúng luật; Phải căn cứ vào tình hình thị trường, nếu thị trường tốt đủ điều kiện thì mới thoái vốn; Bảo toàn được vốn nhà nước cao nhất; Trường hợp thua lỗ kéo dài và không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính thì phải bán, sáp nhập, phá sản. Tất cả phải công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường…”- ông Thực lưu ý.
Theo Đề án tái cơ cấu, 29 đơn vị, DN thành viên của PVN sau tái cơ cấu sẽ chỉ còn 24 đơn vị; 206 công ty cấp 2, cấp 3 hiện nay sẽ còn 126 công ty và tất các công ty mẹ và các công ty thành viên, công ty cấp 2, cấp 3 phải đảm bảo ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn…
Trước đó, tại cuộc họp báo quý II, ông Thực cho biết, PVN đang đề xuất Chính phủ cho giữ lại 20% vốn tại PVFC thay vì phải thoái 100% vốn tại công ty này, bởi PVFC đóng vai trò là đơn vị thu xếp vốn cho tập đoàn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ không đồng ý thì PVN sẽ thực hiện đúng theo lộ trình thoái hoàn toàn 100% vốn.
EVN CÒN NỢ PVN 14.000 TỶ ĐỒNG Xác nhận với báo giới, ông Phùng Đình thực cho biết, hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang nợ PVN 14.000 tỷ đồng. Chúng tôi đang làm việc với lãnh đạo EVN. Quan điểm của chúng tôi là không trả hết được thì cũng phải trả dần vì Tcty điện lực dầu khí cũng phải đi vay để mua khí. Chung tôi không hy vọng giải quyết vấn đề này ngay nhưng cũng phải từng bước…”- ông Thực cho biết. |
T.Lan