Theo Reuters, phát biểu ngày 6/6, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết nước này đã sẵn sàng cho các nỗ lực hòa giải. Theo ông Sheikh Mohammed, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani tối 5/6 đã có cuộc điện đàm với Kuwait – nước vẫn đang duy trì quan hệ với Qatar. Sau cuộc điện đàm này, Quốc vương đã quyết định hoãn bài phát biểu về tình hình với người dân để Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaberal-Sabah có thể liên lạc với các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng và tìm cách để kiềm chế vấn đề.
Ngoại trưởng Sheikh Mohammed cũng khẳng định dù các biện pháp nhằm vào nước này sẽ ảnh hưởng đến các công dân cũng như mối quan hệ của các nước trong khu vực Vùng Vịnh nhưng Doha đã quyết định không trả đũa động thái của các nước láng giềng. Bởi, theo ông, Qatar cho rằng những khác biệt giữa các nước anh em trong khu vực cần phải giải quyết thông qua đối thoại. Ngoại trưởng Qatar cũng đề xuất tiến hành một phiên họp để trao đổi quan điểm và thu hẹp những khác biệt giữa các bên liên quan, trong khi vẫn tôn trọng quan điểm của từng bên.
Trong khi đó, một tín hiệu cho thấy những hậu quả tiềm tàng của tình hình hiện nay tới nền kinh tế Qatar, một số ngân hàng trong khu vực đã dừng giao dịch với các ngân hàng của Qatar. Thị trường chứng khoán của nước này đã đảo chiều sau khi giảm điểm nhẹ nhưng đồng tiền của Qatar vẫn đã mất giá so với đồng USD.
Cho đến nay, Bahrain, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã đình chỉ tất cả các đường hàng không, đường bộ và đường biển đến Qatar. Các nước này cũng cho du khách và công dân Qatar thời hạn 2 tuần để rời khỏi lãnh thổ của họ đồng thời cấm người dân tới Qatar. Ngoài ra, UAE và Ai Cập cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để về nước còn Ả rập Xê út tiến thêm một bước với việc đóng cửa văn phòng địa phương của Al Jazeera – một đài truyền hình có ảnh hưởng của Qatar. Ai Cập, Yemen và Libya đình chỉ quan hệ ngoại giao với Doha.
Các nước nói trên thông báo họ cắt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Song, theo các nguồn tin, đây chỉ là một phần của vấn đề. Theo đó, 2 yếu tố chủ chốt dẫn tới quyết định của các nước Ả rập ngày 5/6 là quan hệ giữa Qatar và các nhóm Hồi giáo và quan hệ giữa Doha với Iran – đối thủ của Ả rập Saudi trong khu vực. Những người giàu ở Qatar được cho là đã quyên tiền còn Chính phủ nước này cũng đã trao tiền và vũ khí cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Ngoài ra, tờ Financial Times cũng cho rằng các nước đồng minh ở Vùng Vịnh rất tức giận với việc Qatar đã trả 1 tỉ USD tiền chuộc cho những phần tử thánh chiến và các quan chức an ninh Iran sau khi một số công dân Qatar bị bắt cóc ở Iraq và Syria.
Các nhà phân tích cũng cho rằng thời điểm các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar – 2 tuần sau chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Donald Trump - là rất quan trọng. Trong bài phát biểu ở Ả rập Xê-út, ông Trump cho rằng Iran chính là nguyên nhân của sự bất ổn ở Trung Đông, đồng thời thúc giục các nước Hồi giáo nắm vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống cực đoan hóa. Các phát biểu này nhiều khả năng đã thúc đẩy các nước Vùng Vịnh hành động chống lại Qatar.
Thêm vào đó, cũng trong tuần ông Trump đưa ra phát biểu trên, Ai Cập, Ả rập Xê-út và UAE cũng đã chặn một số trang tin của Qatar, trong đó có Al Jazeera sau khi có một số bình luận được cho là của Hoàng thân Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani với nội dung chỉ trích Ả rập Xê út xuất hiện trên truyền thông nhà nước Qatar dù chính phủ Qatar sau đó đã khẳng định những bình luận đó là giả.
Liên quan đến vụ việc, Philippines ngày 6/6 đã quyết định dừng đưa lao động tới Qatar do lo ngại các vấn đề như thiếu thực phẩm có thể ảnh hưởng tới hơn 200.000 người Philippines đang có mặt tại Qatar trong trường hợp cuộc khủng hoảng ngoại giao ở nước này hiện nay diễn tiến theo hướng xấu đi.