“Quả đấm thép” ngành Hải quan mệt bởi “chiêu” của “dân thuốc lá lậu”

(PLO) - “Vì có lợi nhuận cao nên các đối tượng vận chuyển thuốc thường thuộc “bài vở” của cơ quan chức trách. Ngay như Đội hải quan ở đây, ít nhất có 4 đối tượng túc trực thay nhau canh chừng 24/24h, chúng tôi đi đâu là có người bám theo, làm rất nhiều trò khiến anh em rất mệt mỏi” - ông Lê Văn Quang, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan tỉnh An Giang), đơn vị được mệnh danh là “quả đấm thép” ngành này than vãn.
Xử lý thuốc lá nhập lậu
Xử lý thuốc lá nhập lậu
Dưới cái nắng như đổ lửa, TP.Châu Đốc (An Giang) dường như tăng thêm sức “nóng” khi những chiếc xe máy chở thuốc lá lậu rú ga phóng vút trên đường phố. Theo người dân bản địa, từ nhiều năm nay, hoạt động buôn thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia vào Việt Nam ở địa phận Châu Đốc đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Hải quan nhận thua cuộc
Những ngày cuối tháng 5/2014, tại địa bàn TP. Châu Đốc, bất cứ ngày hay đêm đều có xe máy chở thuốc lá lậu vượt qua các chốt chặn để vào sâu nội địa. Lượng hàng được chuyên chở nhiều hơn vào ban đêm, từ khoảng 24h đến 4h hôm sau. Tuy nhiên, việc người lạ thâm nhập theo các “con đường” của dân chở thuốc lá lậu luôn gặp trở ngại bởi mọi di biến động của họ đều bị đội quân “chim lợn” theo dõi để “a lô” cho những người chuyên chở.
Ông Lê Văn Quang - Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan tỉnh An Giang) cho biết, thuốc lá được tập kết ở gò Tà Mâu (Campuchia) sau đó qua đường thủy hoặc đường bộ được các đối tượng vận chuyển vào Việt Nam. “Mỗi ngày dân buôn lậu đưa vào nội địa từ 40 – 50 thùng thuốc lá, mỗi thùng tương ứng 50 cây, với các loại thuốc Jet, Hero. Một tút thuốc lá “lọt” được từ gò Tà Mâu về đến Long Xuyên sẽ có lãi 20.000 đồng, đến TP.HCM là 25.000 đồng” - ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, do đường biên giới dài, có nhiều kênh rạch, đường mòn nên dân buôn lậu thường “chia khoảng” đường ra để tập kết hàng. Khi vượt khỏi Campuchia, thuốc lá điếu chủ yếu được vận chuyển bằng xuồng qua kênh Phường Đội, sang kênh Vĩnh Tế rồi đội quân xe máy “cõng hàng” xuôi theo quốc lộ 91 để phân phối khắp miền Tây. 
Không chỉ có xe máy, hàng ngày những chiếc xuồng máy công suất lớn nằm bất động trên kênh Vĩnh Tế, nhưng đêm xuống, đó là những hung thần “cõng” các kiện thuốc lá được đối tượng vận chuyển điều khiển chạy bạt mạng đến nơi tập kết. “Xuồng của đối tượng được trang bị bốn động cơ, xuồng của chúng tôi chỉ có một máy nên là người thua cuộc trong các cuộc rượt đuổi” - ông Quang trần tình.
Thuốc lá lậu được chở công khai trên đường thuộc địa bàn TP. Châu Đốc. Ảnh: moit.gov.vn
Thuốc lá lậu được chở công khai trên đường
thuộc địa bàn TP. Châu Đốc.

Ảnh: moit.gov.vn 
“Trăm phương nghìn kế”
Ông Quang cho biết, dân buôn lậu thường sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để đối phó với nhà chức trách, theo đó, mỗi lần vận chuyển thường là dưới 1.500 gói nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra trên đường bộ đối với xe khách, xe gắn máy hai bánh, điểm tập kết hàng hóa thì đối tượng chuyển hướng xuống đường thủy, còn trên đường bộ ngụy trang trong can nhựa loại 30 lít ngăn làm 2, trên để cá, dưới để thuốc lá; ngụy trang thành những người bán dạo giấy vệ sinh, bên trong giấu thuốc lá hoặc để thuốc lá trong ruột của gối ôm, thú nhồi bông để vận chuyển lậu vào nội địa.
Được mệnh danh là “quả đấm thép“ của ngành Hải quan nhưng lãnh đạo Đội kiểm soát Hải quan của tỉnh An Giang cũng thừa nhận rất “mệt mỏi” bởi các chiêu bài mà dân buôn lậu hay áp dụng. “Vì có lợi nhuận cao nên các đối tượng vận chuyển thuốc thường thuộc “bài vở” của cơ quan chức trách. Ngay như Đội hải quan ở đây, ít nhất có 4 đối tượng túc trực thay nhau canh chừng 24/24h, chúng tôi đi đâu là có người bám theo, làm rất nhiều trò khiến anh em rất mệt mỏi” - ông Quang than vãn.
Chia tay An Giang, người viết chứng kiến nhiều chiếc xe máy rú ga vượt qua những tuyến phố đông đúc ở Châu Đốc để đưa thuốc lá về nơi tập kết. Ngân sách tiếp tục thất thu theo hành trình của những chiếc xe “đai hàng” bất hợp pháp trót lọt...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang, năm 2013 đã bắt giữ, tịch thu được 811.828 gói thuốc lá lậu, trị giá khoảng 8,2 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2014 cũng đã bắt giữ và tịch thu hơn 278 nghìn gói, trị giá 2,8 tỷ đồng. Tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn hoạt động tinh vi, các chủ “đầu nậu” thường không xuất hiện mà điều hành qua các đối tượng vận chuyển, mang vác hàng nhập lậu nên phần lớn các vụ việc chỉ xử lý được đối tượng vận chuyển, mang vác. Các đối tượng vận chuyển hàng nhập lậu khi phát hiện lực lượng chức năng sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng. 

Đọc thêm