Xóa bỏ chướng ngại giao thông
ĐBSCL có địa hình đặc thù sông nước, hệ thống kênh ngòi chằng chịt. Đây là một lợi thế giúp đất đai màu mỡ, cây lành trái ngọt. Ngược lại đây cũng là một chướng ngại cho việc lưu thông vì “qua sông phải lụy đò”. Theo xu thế đó, hàng chục, hàng trăm chiếc phà, chiếc đò ngang ở các con sông đã “mọc” lên, “nối tạm” 2 bờ. Có những tỉnh, thành chỉ cách một con sông mà như xa vời vợi, nay đã được nối gần hơn như phà Cần Thơ nối Cần Thơ và Vĩnh Long, Phà Mỹ Thuận nối Tiền Giang và Vĩnh Long, Phà Rạch Miễu nối liền Tiền Giang và Bến Tre...
Những chiếc phà thời đó cũng như những chiếc cầu bây giờ, khi đưa vào hoạt động làm sôi động hẳn lên cả một địa phương. Tàu xe qua lại tấp nập suốt ngày đêm. Nơi nào có thể vắng nhưng ở những bến phà lớn không lúc nào thưa người. Những chú xe ôm, cô bán hàng rong cũng “men” theo đó mà mưu sinh. Những người dân ở xung quanh đó cũng mua bán thức ăn, thức uống đông vui náo nhiệt.
Có những bến phà tồn tại hàng chục năm, thậm chí gần trăm năm, gắn bó với bao thế hệ người dân địa phương vùng ĐBSCL. Nó đi sâu vào cách ăn, nếp ở của mỗi người, xa lại nhớ, không còn thì cảm thấy tiếc thương. Những bến phà một thời đã đi vào huyền thoại vào lời thơ, câu hát. Trong bài “Về Miền Tây”, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã nêu rõ: “Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận. Ai đi Hậu Giang đến bắc Cần Thơ”. Hay trong bài hát Phải lòng con gái Bến Tre, tác giả đã đưa phà Rạch Miễu trở thành nhân chứng của tình yêu đôi lứa: “Bầu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre. Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là về Sơn Đốc, Ba Tri”.
Cuốn dài theo sự phát triển hiện đại, những chiếc phà dần bị “lỗi thời”, không còn “bắt nhịp” kịp với xu thế hội nhập nên đành phải “khép mình” và chuyển giao cho những chiếc cầu khang trang, kiên cố. Những bến phà lùi dần về quá khứ. Những bến phà đến mang theo sự náo nhiệt cả một khu vực, đến khi bến phà không còn nữa, những địa điểm này quay lại cột mốc ban đầu của mấy mươi năm về trước, yên tĩnh và vắng vẻ. Dù không còn tồn tại nhưng những bến phà đó vẫn sống mãi trong ký ức của người dân miền Tây.
Những chiếc cầu “chắp cánh” ĐBSCL
Lần lượt những chiếc cầu hiện đại như: Cầu Mỹ Thuận, Cầu Rạch Miễu, Cầu Cần Thơ và mới đây nhất là sự kiện khánh thành Cầu Vàm Cống đã nối liền các vùng kinh tế tỉnh, thành, đưa ĐBSCL thành một dãy liền gắn kết với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Giờ đây, các phương tiện lưu thông một đường thẳng tắp, không còn cảnh xe xếp dài hàng cây số vì kẹt phà. Thời gian lưu thông và giao thương kết nối giữa các tỉnh ngày càng rút ngắn tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
Anh Nguyễn Văn Danh (ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, gần một năm sau khi cầu Cao Lãnh được khánh thành, bà con Đồng Tháp đón thêm niềm vui khi có cầu Vàm Cống. Giờ đây, mỗi dịp đi Cần Thơ, An Giang hay Kiên Giang, thời gian sẽ được rút ngắn rất nhiều, đặc biệt không còn cảnh mòn mỏi chờ phà nữa.
Kết nối phát triển là sự kiện đáng mừng cho cả vùng, tuy nhiên ở đâu đó ở bên những bến phà hàng chục, hàng trăm năm vẫn có những người vừa vui cho cái chung và vừa buồn khắc khoải cho những thời khắc đã qua.
Gắn bó hơn 38 năm với nghề lái phà, Thuyền trưởng Phan Thế Sơn chia sẻ, khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng, những người phục vụ ở bến phà Vàm Cống ai cũng vui mừng vì huyết mạch giao thông đã được nối liền cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến viễn cảnh mai này phải rời xa bến phà Vàm Cống. “Mấy chục năm gắn bó với chiếc phà, nay phải chia tay là điều không dễ dàng”, ông Sơn .
Trên bến phà Vàm Cống còn những người cố gắng bám phà để mưu sinh như nghề bán vé số, bán sâm lạnh, bánh mì… Chị Nguyễn Thị Huệ (bán nước, bánh mì dạo tại bến phà) lo lắng, “Mỗi ngày tôi bán được 200.000 – 300.000 đồng trang trải cuộc sống, lo cho mẹ già. Cầu Vàm Cống sắp thông xe, phà sẽ ít khách hơn, nên chắc bán buôn bán ế hơn, không biết phải đổi nghề gì nữa”.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng Bến phà Vàm Cống cho biết, đến thời điểm này, bến phà Vàm Cống vẫn chưa nhận được chỉ đạo hay chủ trương gì liên quan đến việc ngưng chạy khi cầu Vàm Cống thông xe nên cán bộ công nhân viên vẫn hoạt động bình thường.
Được biết, vừa qua, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết sẽ kiến nghị Bộ GTVT giữ lại phà Vàm Cống để phục vụ cho người dân có nhu cầu. Đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể. Mặc dù bến phà Vàm Cống chưa ngưng hoạt động. Tuy nhiên điều này cũng chỉ trong sớm hoặc muộn. Nếu còn giữ cũng chỉ để vài chiếc để phục vụ những người dân lân cận.