“Quản” doanh nghiệp nhà nước: Lấp những “lỗ hổng” lạm dụng!

Ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn vốn Nhà nước do hoạt động kinh doanh thua lỗ của những DNNN là việc cần làm ngay để ngăn ngừa “mồ hôi nước mắt” của dân bị lãng phí. Trong các giải pháp, xâu chuỗi những qui định pháp luật đang tản mát đặc biệt để hoàn thiện thể chế về loại hình DN này đang được Bộ Tư pháp đặt ra.

Ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn vốn Nhà nước do hoạt động kinh doanh thua lỗ của những DNNN là việc cần làm ngay để ngăn ngừa “mồ hôi nước mắt” của dân bị lãng phí. Trong các giải pháp, xâu chuỗi những qui định pháp luật đang tản mát đặc biệt để hoàn thiện thể chế về loại hình DN này đang được Bộ Tư pháp đặt ra.

Minh họa Internet
Minh họa Internet

Không có Bộ… chịu trách nhiệm

GS.Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhận định, “kém hiệu quả, thất thoát là “căn bệnh cần điều trị khẩn cấp” của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng “liều thuốc” pháp lý thông qua xây dựng văn bản pháp lý về cơ chế thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu của NN đối với DNNN để xử lý mối quan hệ nội bộ giữa DN và sở hữu chủ; chấm dứt tình trạng không có căn cứ pháp lý để xử lý sự tùy tiện, kỷ luật tài chính không chặt chẽ tại DNNN.”

Từ ngày 1/7/2010, DNNN phải chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thậm chí vận dụng một số qui định đáng lẽ đã hết hiệu lực theo Luật Doanh nghiệp 2003.

Song theo đánh giá của Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, pháp luật về DNNN không còn duy trì được tính đồng bộ và hệ thống, Luật Doanh nghiệp không thể bao quát toàn bộ những vấn đề cần điều chỉnh của DNNN, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước nên khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.

Những vấn đề quan trọng trong quản lý DNNN như quyền chủ sở hữu của NN, đại diện chủ sở hữu, công khai tài chính, giám sát, quản lý vốn, tài sản NN tại DN chưa tách bạch được quản lý của chủ sở hữu và quản lý của Nhà nước (với tư cách cơ quan công quyền quản lý chung đối với các loại hình DN). Các bộ, ngành, địa phương vẫn được giao làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN.

Trong khi mở quá rộng quyền cho các DNNN nhưng lại thiếu cơ chế quản lý nên bị lợi dụng nên không thể xử lý triệt để khi có hậu quả. Cách phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực được áp dụng cho cả DNNN dẫn đến thực trạng gây bức xúc dư luận là không có cơ quan nào có đầy đủ quyền và chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các DNNN như vụ Vinashin.

Hiệu quả kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn, tài sản trong DNNN còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng can thiệp hành chính của các Bộ. Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) nhận định, pháp luật về quản lý DNNN “đang trống nên chủ sở hữu thờ ơ hoặc không có quyền lợi quản lý phần được giao về vốn NN trong DNNN”.

Không thể có “sân chơi riêng”

GS.Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, hoàn thiện pháp luật về DNNN “phải giảm được tình trạng mù mờ của nền kinh tế đối với các DNNN”. DNNN cũng cần môi trường kinh doanh nhưng xây dựng thể chế cho DNNN phải đặt trong môi trường chung, không thể tạo “sân chơi” riêng cho DNNN nếu không sẽ “đá” Luật Doanh nghiệp và càng khiến việc giải quyết những vấn đề của DNNN “đi vào ngõ cụt và nguy hiểm”. Đồng thời, phải biết DNNN hoạt động vì ai mới tách được những hạn chế đang mắc hiện nay.

Kiến nghị của Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế về hoàn thiện pháp luật liên quan đến quản lý DNNN đặt ra yêu cầu đổi mới cơ chế thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu NN đối với các DN có vốn NN, không để phân tán thành nhiều đầu mối như hiện nay. Xác định rõ nguyên tắc trong việc đầu tư của NN vào DN, chuyển đổi triệt để phương thức đầu tư vốn của Nhà nước từ quản lý hành chính sang hạch toán kinh doanh. Tăng cường hiệu quả giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN để kịp thời phát hiện, cảnh báo và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động và DN…

Nhưng ông Nguyễn Am Hiểu - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự  - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cảm thấy hoang mang vì việc hoàn thiện pháp luật về DNNN “làm mãi giống như “gia cố nhà cấp 4 thành nhà cao tầng” nên chưa giải quyết dứt điểm vấn đề”. Quan điểm của ông Hiểu là “cứ thiết kế trên nền cũ là không thể hiểu quả” mà nên xây dựng mới hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động, tổ chức DNNN như khuyến nghị của Ngân hàng Á châu hay kinh nghiệm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhận thấy, vấn đề quản lý DNNN đăng đặt ra nhiều yêu cầu vì những cách giải quyết hiện đang như “ném đá ao bèo”, sáng qua - 11/7, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Bộ Tư pháp phải rà soát, xâu chuỗi các qui định đang tản mát liên quan đến quản lý DNNN, không thể để những Vinahin, Vinalines nữa xảy ra làm ảnh đến nền kinh tế và niềm tin của người dân.  Bộ trưởng cũng lưu ý, những “kẽ hở” cho tham nhũng ở các DNNN không thể đổ lỗi hoàn toàn cho pháp luật, mà vì có tình trạng lạm dụng qui định, nên hoàn thiện pháp luật phải thận trọng để “không đánh đồng giữa DNNN và NN sẽ gây ra đủ thứ hậu quả” và quan tâm đến cơ chế quản lý nhân sự trong tổ chức bộ máy của các DNNN.

Huy Anh

Đọc thêm