Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Baranets, tổ hợp robot Uran-9 được thiết kế để đảm nhiệm các nhiệm vụ trinh sát, yểm trợ hỏa lực và phá hủy xe bọc thép của đối phương.
Robot chiến đấu này nặng 12 tấn, được trang bị các tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka, các ống phóng tên lửa nhiệt áp Shmel-M, pháo tự động 2A72, súng máy đồng trục 7,62 mm.
“Uran-9 là robot có khả năng tiến hành hoạt động trinh sát, có thể tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau, tiêu diệt các mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp. Có thể nói rằng, hệ thống robot này được vũ trang “đến tận răng”: trong tháp pháo của nó được bố trí pháo tự động 30 mm, súng máy, tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka, tên lửa phòng không Igla, súng phun lửa Shmel…”, ông Baranets cho biết.
Theo ông Baranets, việc Uran-9 được biên chế vào quân đội Nga cho thấy rằng Bộ Quốc phòng nước này đang nắm bắt được cơ hội mà xu hướng phát triển kỹ thuật quân sự đem lại vì quá trình robot hóa quân đội là một hướng chiến lược trong điều kiện hiện đại.
“Phương tiện không người lái trong quân đội đang trở thành một chỉ số về mức độ phát triển kỹ thuật quân sự. Và quân đội Nga luôn đi đầu trong lĩnh vực này”, ông Baranets nhận định.