Quân đội tham gia khắc phục hậu quả bão số 3: Dùng phà thay cầu phao Phong Châu, nỗ lực tái thiết Làng Nủ

(PLVN) - Thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… hiện Quân đội đã dùng phà thay thế cầu phao Phong Châu, nỗ lực tái thiết Làng Nủ.
Quân đội đang khẩn trương xây dựng nhà tái định cư Làng Nủ. (Ảnh: Quang Thiện)

Dùng phà thay thế cầu phao Phong Châu

Hiện nay, cầu phao PMP do Lữ đoàn 249 Binh chủng Công binh (BCCB) triển khai ở sông Thao, nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ đang tạm dừng hoạt động.

Cầu phao PMP là khí tài vượt sông hạng nặng, nhằm phục vụ tác chiến quân sự. Việc bắc cầu phao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa hình, thời tiết, khí hậu thủy văn. Cầu phao PMP chỉ hoạt động tốt khi lưu tốc dòng chảy trung bình dưới 2m/s; nhưng kết quả đo lưu tốc dòng chảy khu vực lắp cầu phao lúc 18h15 ngày 1/10 là 2,5m/s; lúc 7h ngày 2/10 là 3,1m/s; lúc 13h30 ngày 2/10 là 3,4m/s.

Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị, BCCB) cho biết, ngày 30/9, sau khi Lữ đoàn 249 bắc cầu phao PMP, do lưu tốc dòng chảy trên sông Thao cho phép cầu hoạt động ổn định nên được vận hành khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, những ngày sau đó, do lũ thượng nguồn đổ về, lưu tốc dòng chảy trung bình lớn hơn 2m/s nên buộc phải dỡ cầu phao.

Lữ đoàn 249 tháo dỡ cầu phao Phong Châu. (Ảnh: Quang Thiện)

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho BCCB nghiên cứu sử dụng 2 phà chuyên dụng quân sự, gia cố thành phà dân sự để có thể chở được người đi bộ và các phương tiện như xe máy, xe đạp cùng hàng hóa trong phạm vi cho phép.

14h hôm qua (4/10), Lữ đoàn 249 đã đưa 2 phà vào hoạt động, mỗi phà được lắp ghép từ 3 đốt cầu phao và 1 đầu máy kéo. Hai phà sẽ hoạt động liên tục từ sáng đến 22h hàng ngày, mỗi chuyến chở khoảng 90 người và 45 phương tiện. Phà chỉ vận chuyển người và các loại xe thô sơ như xe máy, xe đạp. Để đảm bảo an toàn, tất cả hành khách đều phải mặc áo phao.

Ngày 30/11 sẽ cơ bản hoàn thành 40 nhà tại Làng Nủ

Tại Lào Cai, với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu tái định cư cho Nhân dân thôn Làng Nủ, Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (TCty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, về vị trí, địa điểm xây dựng khu tái định cư thôn Làng Nủ, tỉnh đã phối hợp lực lượng chức năng, nhà khoa học, Trường ĐH Mỏ địa chất tìm địa điểm, đánh giá mức độ an toàn và lựa chọn được địa điểm xây dựng phù hợp.

Những chuyến phà đầu tiên chở người dân qua sông Hồng bằng phà quân sự. (Ảnh: Lam Hạnh)

Khu tái định cư Làng Nủ được quy hoạch tại khu vực đồi Sim, cách nơi xảy ra trận lũ quét khoảng 2km. Địa hình nơi đây cao ráo, rộng rãi, đảm bảo an toàn cho người dân. Trong giai đoạn 1, khu vực sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha, mỗi hộ gia đình được cấp 1.000m2 đất.

Dự kiến sẽ có 40 căn nhà hai tầng được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày, cùng với các công trình phụ trợ như nhà bếp, nhà vệ sinh. Khu tái định cư còn được đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa, hệ thống giao thông, điện, nước để đảm bảo điều kiện sinh sống ổn định lâu dài cho cư dân.

Tỉnh Lào Cai đã ban hành lệnh xây dựng khẩn cấp, các thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết, công tác giải phóng mặt bằng, hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Diện tích quy hoạch khoảng 13ha. Đến nay, phần hạ nền đã được 9 hộ, nhà thiết kế kiểu nhà sàn, móng được đổ tại chỗ, dầm sàn sẽ được đúc sẵn và vận chuyển tới lắp đặt.

Theo kế hoạch, ngày 15/10 sẽ lắp đặt 4 nhà đầu tiên, quyết tâm ngày 30/11 sẽ cơ bản hoàn thành 40 nhà. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ xây dựng các điểm trường và nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong tháng 12/2024 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường nội bộ…

Với công trình này, Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm ổn định cuộc sống, nhưng cũng phải bảo đảm an toàn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, quân đội tự túc bảo đảm các nhu cầu ăn, ở cho cán bộ, chiến sĩ; sử dụng các thiết bị, máy móc của quân đội để giúp đỡ Nhân dân. Không sử dụng các nguồn do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, ủng hộ; mà dành các nguồn hỗ trợ đó cho việc tái thiết các cơ sở hạ tầng phục vụ người dân tại nơi xảy ra thiên tai.

Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban Bộ Quốc phòng tháng 9/2024, tháng 9/2024, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trong đó, đặc biệt nổi bật là công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3. Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, chủ động điều động hơn 154.000 lượt bộ đội, dân quân tự vệ, 5.500 lượt phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn.

Quân đội chủ động phối hợp rà soát, di dời, sơ tán hơn 100.700 hộ, với 400.900 người, hơn 118.300 tàu thuyền, phương tiện đến nơi tránh trú an toàn. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ mưa bão. Phối hợp sửa chữa, khôi phục hệ thống điện, đường giao thông, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện; giúp nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu, dọn dẹp vệ sinh môi trường; vận chuyển, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng thời, quyên góp, ủng hộ 145 tỷ đồng, hỗ trợ gần 66 tấn lương thực, thực phẩm cho Nhân dân vùng lũ...

Cùng với đó, toàn quân tiếp tục duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, ngoại biên, không gian mạng; tăng cường bảo đảm thông tin liên lạc, cơ yếu, an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng các nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ; phối hợp giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn cả nước.

Đọc thêm