Mặc dù Trung tướng Keith Kellogg đã được chỉ định tạm thời đảm nhiệm vị trí của Cố vấn an ninh quốc gia, cựu Trung tướng Michael Flynn, nhưng dư luận đang cho rằng, chiếc “ghế nóng” sẽ thuộc về Tướng nghỉ hưu David Petraeus hoặc Phó đô đốc Robert Harward, chưa kể còn có một số cái tên khác như Michelle Howard và Stanley McChrystal.
Từ chức...chưa xong
Tuy đã xin từ chức, nhưng các thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa đang kêu gọi mở cuộc điều tra (trước đó nhiều thành viên của đảng Dân chủ đã kêu gọi điều tra ông Michael Flynn) để làm rõ những mối liên hệ của ông Michael Flynn với Nga. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban giám sát của Hạ viện Jason Chaffetz và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho rằng, vụ bê bối của ông Michael Flynn chỉ dừng lại ở việc đã nói dối cấp trên.
Ông Michael Flynn đã từ chức (13-2) sau khi bị cáo buộc lừa dối Phó Tổng thống Mike Pence về chuyện thảo luận với Đại sứ Nga Sergei Kislyak tại Mỹ về các lệnh cấm vận của Washington trước lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Phó Tổng thống Mike Pence bị rơi vào tình huống khó xử khi bảo vệ ông Michael Flynn trong một chương trình truyền hình tháng trước và đến nay chưa có thêm bình luận nào về vấn đề này.
Trong đơn từ chức, ông Michael Flynn thừa nhận “vì công việc dồn dập nên đã sơ ý báo cáo thiếu thông tin với Phó Tổng thống Mike Pence và một số quan chức” về các cuộc gọi với Đại sứ Nga Sergei Kislyak. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, ông Michael Flynn từ chức “không dựa trên vấn đề pháp lý, mà dựa vào niềm tin”.
Đồng thời thông báo, ông Donald Trump đã được báo cáo về việc ông Michael Flynn lừa dối Nhà Trắng từ hôm 26-1. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates từng cảnh báo Nhà Trắng, ông Michael Flynn có nguy cơ bị Nga “tống tiền” hôm 26-1.
Hãng Fox News cho biết, ông Michael Flynn từng bị cựu Tổng thống Barack Obama sa thải khi đang giữ chức Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng năm 2014. Theo tờ New York Times, FBI đã rà soát các cuộc điện thoại của ông Michael Flynn, còn quân đội điều tra về việc cựu Cố vấn an ninh quốc gia có nhận tiền từ Nga trong chuyến công du tới Moskva năm 2015. Dư luận cho rằng, ông Donald Trump sẽ cải tổ Hội đồng an ninh quốc gia sau “sự cố Michael Flynn”.
|
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Michael Flynn |
“Quan lộ” ngắn ngủi
Người tiền nhiệm của ông Michael Flynn là bà Susan Rice, cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Tuy không phải là vị trí trong nội các, nhưng Cố vấn an ninh quốc gia có ảnh hưởng lớn tới các quyết định của Tổng thống. Trong 64 năm tồn tại (1953-2017), chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia đã thay tới 25 người và những ai giữ cương vị này đều tạo được nét riêng của mình.
Đối lập với sự yểu mệnh của ông Michael Flynn, là sự tại vị lâu của Tiến sỹ Henry Kissinger - làm việc cho 3 đời Tổng thống (Lyndon Johnson, Richard Nixon và Gerald Ford). Rất ít Tổng thống làm việc với một Cố vấn an ninh quốc gia như cặp Jimmy Carter - Zbigniew Brzezinski (từ 20-1-1977 đến 4-1-1982) và George Bush - Brent Scowcroft (từ 20-1-1989 đến 20-1-1993).
Tổng thống John Kennedy cũng chỉ có một Cố vấn an ninh quốc gia (McGeorge Bundy), nhưng đó là do ông bị ám sát, chưa làm hết nhiệm kỳ. Tổng thống Dwight Eisenhower là người thiết lập chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia và đã sử dụng 4 người (Robert Cutler, Dillon Anderson, Robert Cutler, Gordon Gray).
Trường hợp của Tổng thống Lyndon Johnson khá đặc biệt bởi ông sử dụng Cố vấn an ninh quốc gia của người tiền nhiệm John Kennedy (McGeorge Bundy), sau mới thay bằng Walt Rostow và Henry Kissinger. Chưa có ai thay nhiều Cố vấn an ninh quốc gia như Tổng thống Ronald Reagan: 6 người (Richard Allen, William Clark, Robert McFarlane, John Poindexter, Frank Carlucci và Colin Powell).
Cho tới nay mới có 2 “tướng bà” là Cố vấn an ninh quốc gia (Condoleezza Rice và Susan Rice), và họ đều là phụ nữ da màu. Và rất hiếm khi Cố vấn an ninh quốc gia trở thành Ngoại trưởng như trường hợp của ông Colin Powell và bà Condoleezza Rice - đều là người da màu./.