Đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận hôm qua về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) giai đoạn 2006 – 2012 là “có quá nhiều lãng phí và còn “lờ” đi trách nhiệm của người đứng đầu trước những sai phạm…”
Lãng phí do “môi trường pháp lý kém minh bạch”
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “Quốc hội chủ trương phát hành TPCP để đầu tư các công trình, dự án quan trọng của đất nước về giao thông, trong đó có các dự án giao thông đường tuần tra biên giới phục vụ cho quốc phòng; các dự án về thủy lợi, về y tế, giáo dục đào tạo. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cấp đầu tư xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương nói riêng”.
Tuy các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch đầu tư, Quốc phòng, Y tế cũng đã giải trình thêm các vấn đề trong báo cáo về kết quả giám sát, nhưng các ĐBQH vẫn cảm thấy “không yên tâm” vì những nguyên nhân mà Chính phủ đưa ra cho những hạn chế, tồn tại trong việc sử dụng TPCP đầu tư XDCB là “thiếu thuyết phục”, nhất là trong việc tăng tổng mức đầu tư “quá lớn, quá nhiều” cho các công trình, dự án như ĐB Phạm Văn Tấn (tỉnh Nghệ An) phát biểu.
ĐBQH Phạm Văn Tân (Nghệ An) phát biểu tại Hội trường |
Theo báo cáo giám sát, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 150.668 tỷ đồng, với nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 110.000 tỷ đồng, nhưng đến nay đã điều chỉnh lên 684.794,5 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Một nguyên nhân được ĐB Nguyễn Thành Tâm (tỉnh Tây Ninh) đưa ra cho tình trạng sử dụng lãng phí TPCP là “TPCP là nguồn vốn có quy mô ngày càng lớn và vai trò ngày càng quan trọng trong cân đối thu, chi nhưng lại để ngoài cân đối ngân sách nhà nước và được quản lý bằng các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, vốn được ban hành thay đổi, điều chỉnh dễ dàng hơn các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, nên đã tạo ra một môi trường pháp lý kém minh bạch trong quản lý và sử dụng”.
Nhưng “biện minh” cho những hạn chế trong việc sử dụng TPCP đầu tư XDCB trong lĩnh vực y tế là do thủ tục hành chính phức tạp nên nhiều địa phương chậm hoặc không giải ngân được vốn đầu tư, qui hoạch hệ thống cơ sở y tế chưa ngã ngũ – một vấn đề vĩ mô của ngành y tế…, ĐB Nguyễn Văn Tiên (tỉnh Tiền Giang) nhấn mạnh “cần phải tự hào về những kết quả đã đạt được nhờ trái phiếu, chứ chưa đến mức phải xin lỗi nhân dân”.
Theo ông Tiên, thất thoát 20-30% trong XDCB là căn bệnh “mãn tính” của lĩnh vực này, mà “muốn giải quyết phải bằng nhiều cách khác (như đầu tư theo hình thức BOT, tư nhân, xã hội hóa, còn nếu vẫn dùng ngân sách Nhà nước thì vẫn còn, vẫn khó kiểm soát thất thoát trong đầu tư XDCB”.
Quốc hội phải “siết” kiểm soát nguồn TPCP
Trong các giải pháp xử lý hậu quả của tình trạng lãng phí trong việc sử dụng TPCP trong đầu tư XDCB, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với các sai phạm hạn chế trong quản lý sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ - một trong những nội dung “chưa được đề cập cụ thể” trong các báo cáo về kết quả giám sát.
Một số ĐBQH nhất trí với đề nghị ưu tiên sử dụng nguồn vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng hơn 7.500 tỷ đồng) cho một số dự án đang triển khai thực hiện còn thiếu vốn và gắn với mục tiêu chính của chương trình này như đường trung tâm huyện, xã, bệnh viện huyện, các dự án công trình thuỷ lợi đang đầu tư dở dang kể cả những dự án công trình của cấp bộ ở trên địa phương.
Trong đó, ĐB Nguyễn Đình Quyền (TP.Hà Nội) cho rằng, “nhiều công trình dở dang mà không hoàn thiện thì có tội với nhân dân và lãng phí tiếp nên cần phải phát hành trái phiếu để đầu tư hoàn thiện các công trình dở dang đó, có xét ưu tiên, chứ không đầu tư cho các công trình mới”.
Xuất phát từ góc độ nhìn nhận nguyên nhân lãng phí là do TPCP được quản lý quá “linh hoạt”, một số ĐBQH đã kiến nghị “TPCP phải do Quốc hội phân bổ, đưa vào ngân sách nhà nước” Đồng thời, có ĐB đề xuất giải pháp chống lãng phí trong đầu tư XDCB là “Cho vay vốn trả dần để đầu tư vào các công trình XDCB vì nếu Nhà nước cấp vốn dù từ nguồn nào thì cũng lại hao hụt đâu đó vài chục % như hiện nay”.
Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) thì cho rằng, trong những giải pháp cho tình trạng này, “tốt nhất là Quốc hội phải làm tốt sửa đổi luật, Chính phủ làm tốt công tác chỉ đạo, các Bộ, ngành phải làm tốt công tác tham mưu và chính quyền các địa phương thì phải làm tốt công tác quản lý ở địa phương mình”…
H.Giang