Quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách "zero COVID"

(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều nay (6/11).
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021. (Ảnh: TTXVN)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, ngay sau khi cùng Đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10-5/11/2021.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tháng 10 có nhiều sự kiện quan trọng, cả đối nội và đối ngoại. Trong tháng 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 4; Quốc hội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ 2. Phục vụ 2 sự kiện này, Chính phủ đã tích cực chuẩn bị nhiều tài liệu, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh, trong đó chuẩn bị 54 báo cáo gửi Quốc hội. Các báo cáo tại đợt 1 Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội được đánh giá là đạt chất lượng cao.

Trong tháng 10, chúng ta có nhiều hoạt động đối ngoại, bao gồm Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38-39; dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Cũng trong tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800 cụ thể hóa một bước Nghị quyết 128.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 10. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 10. Ảnh: TTXVN

Theo Thủ tướng, kể từ khi ban hành (ngày 11/10) đến nay, các quy định của Nghị quyết 128 cơ bản phù hợp với tình hình. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, mặc dù “còn có việc này, việc kia chúng ta phải nhìn nhận, xem xét và bám sát, dựa trên thực tiễn để điều chỉnh từng bước một cách hiệu quả”.

"Chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero COVID”, đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần", Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá kỹ thực trạng, những việc làm được và chưa làm được trong tháng 10 và 10 tháng qua, từ đó đề ra các giải pháp, những việc cần làm trong tháng 11, 12 - hai tháng quan trọng đối với phục hồi kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, an sinh xã hội.

Đây cũng là thời gian Chính phủ chuẩn bị những đề án, nội dung quan trọng để báo cáo các cấp có thẩm quyền, như tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn từ nay đến năm 2025, về tăng trưởng xanh, hoàn thiện chương trình tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 và chương trình hồi phục kinh tế năm 2022-2023…

Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm; nghe, thảo luận Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP quý III/2021; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết tháng 10 và 10 tháng năm 2021.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Có giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Đồng thời, khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu. Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại. Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vaccine, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch.

Ngoài ra, tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nắm chắc tình hình để có giải pháp an dân, ổn định xã hội; đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm.

Thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn và chất lượng. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo.

Quan tâm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; tiếp tục hoàn thiện, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế, pháp luật để kịp thời tháo gỡ; thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…

Thủ tướng yêu cầu các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung, đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm