Cơ cấu bộ máy quản lí Nhà nước của Bộ Công Thương sẽ được thay đổi theo hướng tinh giảm, từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối. Đáng chú ý, Tổng cục Năng lượng dự kiến sẽ không còn tồn tại để sáp nhập vào những đơn vị khác hợp lí hơn; trong khi, Cục QLTT sẽ được “nâng cấp” thành Tổng cục.
Thay đổi cơ cấu để “phục vụ, kiến tạo”
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Chánh Văn phòng Bộ Công Thương xác nhận, Bộ này đang dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của cơ quan này. Dự kiến, tháng 12 tới đây sẽ trình Chính phủ
Dù dự thảo này của Bộ Công Thương chưa được Chính phủ phê duyệt nhưng nhiều ý kiến đánh giá đây là phương án thay đổi kịp thời, hợp lí. Nhìn vào nội dung dự thảo có thể thấy Bộ Công Thương đã tính toán, chuẩn bị rất kỹ, cách sắp xếp lại tổ chức bộ máy khoa học.
Động thái cho thấy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang muốn thay đổi, kiện toàn và tái cấu trúc lại hoạt động của Bộ Công Thương - theo tinh thần của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cơ cấu tổ chức hiện nay của Bộ Công Thương gồm 35 đơn vị. Sau khi thay đổi, cơ cấu tổ chức của bộ này chỉ còn 28 đơn vị đầu mối.Theo đó, Vụ Tổ chức cán bộ được hợp nhất bởi Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Phát triển nguồn Nhân lực. Vụ Thị trường Trong nước sẽ tiếp nhận nhiệm vụ về thương mại miền núi của Vụ Thương mại biên giới và Miền núi. Hợp nhất Vụ Thị trường Châu Á- Thái Bình Dương với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Hợp nhất Vụ Thị trường Châu Âu với Vụ Thị trường Châu Mỹ.
Sẽ có vụ mới là Vụ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Vụ này sẽ tiếp nhận nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp của Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN. Ngoài ra, Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía Nam nhập về Văn phòng Bộ Công Thương. Cục Phòng vệ Thương mại cũng sẽ được thành lập mới, nhận nhiệm vụ phòng vệ thương mại từ Cục Quản lý Cạnh tranh.
Trong khi Cục quản lý Cạnh tranh sẽ được đổi tên là Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Cục Hóa chất cũng sẽ bị “khai tử” để hợp nhất với Vụ Công nghiệp nhẹ và Vụ Công nghiệp nặng để có tên mới là Cục Công nghiệp.
Vì sao “xóa sổ” 1 Tổng cục và nâng một Cục?
Theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công Thương, sẽ không còn Tổng cục Năng lượng. Thay vào đó sẽ có Vụ Dầu khí và Than. Vụ này tiếp nhận nhiệm vụ về dầu khí và than từ Tổng cục Năng lượng. Ngoài ra, sẽ có thêm Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Vụ này tiếp nhận các nhiệm vụ về tiết kiệm năng lượng giảm phát thải, công nghiệp môi trường; phát triển hệ thống sản xuất sạch, tiêu dùng xanh từ Tổng cục Năng lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Vụ Khoa học công nghệ. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng được thành lập mới. Cục này tiếp nhận nhiệm vụ về điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và bộ máy hành chính sự nghiệp từ Tổng cục Năng lượng.
Việc xóa bỏ Tổng cục Năng lượng để sáp nhập vào đơn vị khác hoặc thành lập các Vụ, Cục mới nhỏ hơn được cho là cần thiết và hợp lí. Thời gian qua, với vai trò là một tổng cục nhưng Tổng cục Năng lượng không phát huy được hết vai trò quản lí Nhà nước của mình. Trong khi đó, những ngành mà Tổng cục này quản lý như dầu khí, than lại đang dần đánh mất vị trí trong nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể, đóng góp cho ngân sách Nhà nước của hai ngành kinh tế này giảm dần qua từng năm. Trước đây, thời “đỉnh cao”, ngành Dầu khí từng đóng góp khoảng 30% cho GDP cả nước thì nay con số này là dưới 10%. Trong khi đó, ngành than ngày một khó khăn do lượng than lộ thiên không còn nhiều, phải đầu tư kỹ thuật khai thác sâu trong lòng đất. Dù mỗi năm, doanh thu ngành than vẫn dao động trong khoảng 60- 70 nghìn tỷ, nhưng lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách Nhà nước thì ngày càng khiêm tốn.
Cũng theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công Thương, Cục QLTT sẽ được “nâng cấp” thành Tổng cục QLTT. Thay đổi này cũng được đánh giá là cần thiết, phù hợp với tình hình mới. Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng lực lượng quá mỏng, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, vấn đề hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng... được người dân đặc biệt quan tâm. Việc ra đời một Tổng cục được kỳ vọng sẽ giải quyết được những tồn tại vừa nêu?
Trao đổi với PLVN, ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho hay, địa bàn cửa khẩu khá phức tạp về nạn hàng nhái, hàng giả, hàng lậu được tuồn sang từ biên giới Trung Quốc, nên khi hay tin có chủ trương nâng cấp QLTT từ Cục lên Tổng cục, địa phương này hết sức hoan nghênh, ủng hộ. Theo ông Thủy, hoạt động mậu dịch ở Lạng Sơn rất sôi động, kèm với đó là nạn hàng giả, hàng nhái rất phổ biến. Nhưng hiện cả tỉnh chỉ có khoảng 109 cán bộ QLTT; mỗi đội trung bình chỉ có từ 5-6 người. Lực lượng mỏng nên công tác quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo vị này, nếu QLTT được “nâng cấp” thành Tổng cục, lực lượng được tăng cường thì sẽ hạn chế được những vấn đề vừa nêu. Ông Vũ Hồng Thủy nhận định, nếu thành lập Tổng cục ở Bộ thì ở các tỉnh sẽ thành lập các Cục và Cục này nên tách khỏi Sở Công Thương, trực tiếp do tỉnh quản lý. “Nếu vậy thì còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu tổ chức”, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho rằng, ông ủng hộ việc nâng cấp lên thành Tổng cục QLTT, vì đây sẽ là cơ sở để hoạt động quản lý thị trường được thực hiện tốt hơn.
Tỉnh vùng biên chỉ có 109 cán bộ QLTT
“Hoạt động mậu dịch ở Lạng Sơn rất sôi động, kèm với đó là nạn hàng giả, hàng nhái rất phổ biến... Nhưng hiện tại, cả tỉnh chỉ có khoảng 109 cán bộ QLTT; mỗi đội trung bình chỉ có từ 5 - 6 người. Lực lượng mỏng nên công tác QLTT gặp nhiều khó khăn.” , Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Vũ Hồng Thủy.