Quản lý thị trường làm đẹp: Vì sao bên siết, bên buông?

(PLVN) - Chưa bao giờ thị trường làm đẹp lại phát triển rầm rộ, cạnh tranh mạnh mẽ đến thế. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng cao của nhu cầu, sự phát triển về công nghệ là không ít biến tướng thiếu lành mạnh và những nghịch lý trong công tác quản lý.
Giáo trình tiêm Filler, được bán tràn lan trên diễn đàn thương mại điện tử.
Giáo trình tiêm Filler, được bán tràn lan trên diễn đàn thương mại điện tử.

Cơ sở “chui” rầm rộ quảng cáo

Mới đây, chị N.T.M.N. đến một salon tóc trên đường CMT8, TP.HCM để gội đầu, massage da mặt. Tại đây, nhân viên trong quá trình làm đẹp da, chị N. nghe nhân viên tư vấn “chê” da mình xuống cấp, khuyên chị nên tiêm filler cho da được căng mịn.

Nhân viên này giới thiệu tại salon có thể tiến hành tiêm filler do kĩ thuật viên đã đi học nghề, không cần đến bác sĩ vẫn đẹp mà chỉ có 1/3 giá bệnh viện. Chị N. đồng ý, kĩ thuật viên, cũng chính là nhân viên làm tóc tiến hành tiêm filler phần khóe miệng cho chị. Khi trở về, chị N. bị sưng đỏ, đau nhức, một thời gian sau chị phải đến bệnh viện vì vết tiêm bị hoại tử.

Sự việc của chị N. không phải hiếm hoi. Hiện nay, trên thị trường nhan nhản những cơ sở làm đẹp không phép, tự phát. Các cơ sở này có thể là tiệm làm tóc, tiệm xăm, spa, tiệm nail… Thậm chí, cả những người làm đẹp… dạo. Nắm bắt nhu cầu làm đẹp quá lớn của thị trường, các cơ sở này dù không có chức năng nhưng vẫn “kiêm” luôn các phương pháp làm đẹp xâm lấn như: tiêm chích, cấy, tiểu phẫu…

Người thực hiện những ca tiểu phẫu này có thể là thợ làm tóc, làm nail, thợ xăm, hoặc tự xưng là thợ, từng học một vài khóa học không rõ mở ở đâu, chứng chỉ thế nào… Tuy nhiên, với cách thuyết phục rất bùi tai với mức giá rẻ nên nhiều người vẫn lựa chọn làm đẹp ở những cơ sở này. Đó cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng như mù mắt, hoại tử, thậm chí tử vong.

Bàn tay sưng phù, viêm mủ của một phụ nữ tiêm omega làm đầy ở spa.
 Bàn tay sưng phù, viêm mủ của một phụ nữ tiêm omega làm đầy ở spa.

Đáng nói là các cơ sở làm đẹp này tuy trái phép nhưng lại hoạt động rất công khai. Họ còn tiến hành quảng cáo rầm rộ sai quy định. Rất nhiều spa, tiệm làm tóc, cá nhân làm đẹp dạo lập các trang Fanpage trên facebook, chạy quảng cáo trên facebook, lập cả website và quảng cáo trên google.

Không chỉ dùng hình ảnh chính người làm đẹp để quảng cáo, nhiều cơ sở làm đẹp không phép còn thuê các “hot girl, hot boy” quảng bá cho họ, khiến khách hàng nhìn vào có sự tin tưởng, mạnh dạn làm đẹp mà không cần biết cơ sở ấy có được phép làm hay không.

Nghịch lý khó hiểu?

Ở một chiều ngược lại, không ít phòng khám, bác sĩ có tay nghề, có chứng chỉ, giấy phép hoạt động lại “than trời” vì bị muôn vàn quy định siết như “vòng kim cô”. Một ví dụ, hiện bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) có chứng chỉ hành nghề thì phạm vi hoạt động chuyên môn sẽ theo danh mục bác sĩ đăng kí như phẫu thuật mắt, mũi ngực, bụng…

Nhưng nếu bác sĩ đó mở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và có thể tiến hành thực hiện việc phẫu thuật tại bệnh viện sau khi thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân tại phòng khám thì cũng không được phép quảng cáo rằng phòng khám của mình được làm những việc đó. Kết quả là trong đợt thanh tra mới đây, hầu hết các phòng khám thẩm mỹ đều bị “gõ” vì vi phạm về quảng cáo theo quy định trên.

Một câu hỏi cũng được nhiều phòng khám đặt ra là vì sao các cơ sở làm đẹp “chui” lại mọc lên nhan nhản nhưng các Sở Y tế không quản lý được. Và câu trả lời đưa ra là các cơ sở này không thuộc chức năng quản lý của Sở, phải… về phường hỏi. 

Thực tế, mỗi khi một vị bác sĩ “chui”, một cơ sở làm đẹp tiến hành phẫu thuật “lậu” gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân thì xã hội đổ xô lên án, các đoàn thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng liên tục lên tiếng.

Nhưng trước khi xảy ra sự cố thì hàng trăm, hàng ngàn cá nhân, cơ sở hành nghề PTTM “chui” vẫn quảng cáo rầm rộ, công khai trên mạng, tiến hành những cuộc phẫu thuật trong mọi điều kiện lại không cơ quan nào để mắt đến? Trong khi đó, các bác sĩ, phòng khám có giấy phép hành nghề, có chức năng PTTM thì bị “siết” quản lý, mù mờ trong việc hướng dẫn chuyên môn… 

LS Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn Luật sư TP.HCM: Kiểm tra chặt sẽ không có chuyện làm liều

Dịch vụ thẩm mỹ, phun, xăm… là ngành nghề do cơ quan y tế quản lý chuyên môn. Điều này được thể hiện ở quy định cấp phép hoạt động đối với các cơ sở thẩm mỹ này.

Đối với các cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì không cần giấy phép hoạt động nhưng người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày, cơ sở phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định.

LS Huỳnh Phước Hiệp
 LS Huỳnh Phước Hiệp

Đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, về pháp luật, cơ quan quản lý về y tế quản lý tất cả các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ này. Nếu công tác thanh tra, kiểm tra sâu sát thì các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động sẽ không có cơ hội hoạt động được.