Quản lý thuế đối với kinh tế số gặp vướng mắc gì?

(PLVN) - Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đề cập đến 7 vấn đề pháp lý đối với lĩnh vực kinh tế số. 
Không dễ thu thuế đối với các ngành kinh tế số.
Không dễ thu thuế đối với các ngành kinh tế số.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, cho biết, trong lĩnh vực thuế có 2 vấn đề lớn được đặt ra: Thứ nhất, thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập DN của các cá nhân, tổ chức bán hàng hoá, dịch vụ trên các nền tảng; Thứ hai, thu thuế nhà thầu đối với các dịch vụ được cung cấp xuyên biên giới.

Về thu thuế người bán sản phẩm trên các nền tảng mạng, theo quy định, đối với hoạt động kinh doanh, bán hàng trên mạng thì các cá nhân, hộ kinh doanh không cần thiết phải mở cửa hàng tại các nơi thuận tiện, mà có thể chỉ cần một kho hàng ở bất kỳ địa điểm nào.

Điều này khiến cho việc nắm bắt thông tin về các cơ sở kinh doanh của cán bộ thuế địa phương gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc xác định thuế khoán đối với các cơ sở bán hàng trên mạng xã hội (giống với các hộ kinh doanh theo phương thức truyền thống) cũng khó có thể sử dụng.

Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật QLT (Nghị định 126) mới đây đã đưa ra biện pháp để QLT đối với trường hợp này. Theo đó, các ngân hàng sẽ là bên cung cấp thông tin cho cơ quan thuế về các tài khoản của cùng một cá nhân bán hàng và các giao dịch của tài khoản đó trong trường hợp thanh tra, kiểm tra.

Điều này sẽ giúp cơ quan thuế xác định được giao dịch của người bán hàng và có thể tiến hành xác định chính xác nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến lo ngại quy định này sẽ dẫn đến tình trạng lộ lọt thông tin của khách hàng tại các ngân hàng.

Một vấn đề nữa được đặt ra là việc xác định nghĩa vụ thuế GTGT của các cá nhân kinh doanh trên các nền tảng. Tổng cục Thuế có Công văn số 384/TCT-TNCN cho phép các cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe 2 bánh trên các nền tảng được nộp thuế theo phương thức trực tiếp với mức 3% trên tổng doanh thu (chứ không phải phương thức khấu trừ 10% trên GTGT).

Tuy nhiên, Nghị định 126 yêu cầu các ứng dụng gọi xe phải kê khai và nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với các lái xe 2 bánh với mức thuế suất 10%. Theo VCCI, điều này dường như chưa phù hợp với bản chất hoạt động vận tải xe 2 bánh qua các ứng dụng gọi xe.

Về thuế nhà thầu đối với các dịch vụ xuyên biên giới (DVXBG), phương pháp thu thuế truyền thống đối với các DVXBG là bên sử dụng dịch vụ ở Việt Nam sẽ phải kê khai nộp thuế thay cho bên cung cấp dịch vụ ở nước ngoài. Trước đây, khách hàng sử dụng DVXBG thường là các DN, nên việc cơ quan thuế yêu cầu các DN kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu là có thể thực hiện được.

Tuy nhiên khi doanh thu quảng cáo của các mạng xã hội đến từ các cá nhân, hộ gia đình mua bán quy mô nhỏ thì cách QLT này không còn phù hợp. Các cá nhân, hộ gia đình này thường áp dụng thuế khoán, không thực hiện quyết toán thuế cuối năm, nên sẽ không có cơ sở để yêu cầu họ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài.

Để khắc phục vấn đề này, Nghị định 126 đã yêu cầu các bên cung cấp DVXBG phải chủ động kê khai và nộp thuế cho doanh thu có được từ Việt Nam. Nếu nhà cung cấp DVXBG không làm việc này thì các ngân hàng, đơn vị thanh toán sẽ phải chủ động khấu trừ tiền thuế trên các giao dịch thanh toán cho nhà cung cấp đó.

Theo VCCI, trong khi chờ đợi các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đạt được thỏa thuận khung về thuế đối với DVXBG, điều quan trọng là bảo đảm rằng các quy định mới về thuế phải tuân thủ các nguyên tắc về đơn giản hóa và hiệu quả tuân thủ, đồng thời tránh được nguy cơ đánh thuế 2 lần để cân bằng thu ngân sách và kích thích tăng trưởng kinh tế số.

Sẽ có Thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2020/NĐ-CP

Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, sau Nghị định 126, Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ kê khai, thu thuế đối với các DN nền tảng và thực hiện tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Lâu nay, các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử tự kê khai, tự nộp thuế. Căn cứ theo dữ liệu đầu ra của các DN, ngành Thuế đã thu nộp vào ngân sách số tiền hàng trăm tới hàng nghìn tỉ đồng (Năm 2018, số thu thuế thương mại điện tử từ các DN kê khai và nộp khoảng 800 tỷ đồng, năm 2019 trên 1.000 tỷ...). Dẫu vậy, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, số thu này chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.

Đọc thêm