Sang Việt Nam làm giàu nhưng không đóng thuế
Tại Việt Nam, số lượng tài khoản sử dụng Facebook, Google đã đạt hơn 100 triệu, trong đó, Facebook đạt khoảng 70 triệu và Google đạt gần 40 triệu tài khoản. Đáng nói, thị trường trên internet của Việt Nam hầu như đang nằm hoàn toàn trong tay các công ty nước ngoài. Mạng xã hội nước ngoài chiếm 95%, các công cụ tìm kiếm 98%; thương mại điện tử 80%.
Bao trùm lên tất cả các lĩnh vực trên là số tiền "khổng lồ" thu được từ quảng cáo. Theo một thống kê sơ bộ, riêng số tiền quảng cáo mà hai công ty Facebook và YouTube năm 2017 thu được là 320 triệu USD.
Cơ quan thuế liệu có "bó tay" trước Facebook, Google? |
Còn theo số liệu dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quảng cáo trong nước như VCCorp, Zing, 24H, VnExpress… chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, tương đương 33,3%. Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66,7%, tương đương 387,1 triệu USD (trong đó, Facebook khoảng 235 triệu USD, Google khoảng 152,1 triệu USD).
Vẫn theo dự đoán của ANTS, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, ANTS dự đoán năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD. Doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên 760 triệu USD vào năm 2020 nhưng riêng Facebook và Google vẫn sẽ giữ vai trò “bá chủ” với hơn 512 triệu USD.
Tuy nhiên, những khoản thuế từ doanh thu quảng cáo nói trên đều không thu được. Không những thế, nghĩa vụ đóng thuế lại bị đẩy cho đối tác trong nước. Thậm chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chỉ rõ, mạng xã hội Facebook đang vi phạm ở 3 lĩnh vực là quản lý nội dung thông tin, quảng cáo online, thuế và thanh toán xuyên biên giới.
Sở dĩ khó thu thuế là do các doanh nghiệp này hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh cũng như không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua đại lý hoặc mua - bán trực tuyến. Trường hợp thông qua các đại lý trong nước thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật khi phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào ý thức về nghĩa vụ thuế của các đại lý trong nước. Trường hợp này, cơ quan thuế thu được thuế nhưng là do doanh nghiệp Việt Nam nộp chứ không phải từ Facebook hay Google. Còn trường hợp mua – bán trực tuyến và thanh toán qua thẻ tín dụng thì càng khó xác định.
Thu thuế Facebook, Google có thực sự khó?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng khẳng định rằng, các mạng xã hội nước ngoài sang Việt Nam làm giàu, hưởng nhiều lợi ích ở Việt Nam nhưng chưa tuân thủ pháp luật, chưa đóng thuế đầy đủ. Tình trạng này đã kéo dài và không thể để tiếp tục tồn tại.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, những thách thức lớn của hoạt động thương mại xuyên biên giới đặt ra không chỉ đối với Chính phủ Việt Nam mà còn là vấn đề nan giải chung của cả thế giới. Trong đó, đáng chú ý là hai thách thức cơ bản. Thách thức thứ nhất là xác định giá trị đánh thuế của các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Đối với những sản phẩm hữu hình, việc xác định giá trị này rất đơn giản bởi nó có chi phí sản xuất, song hàng hóa vô hình như thông tin lại hoàn toàn khác, để tính toán được con số cụ thể vẫn đang là câu hỏi lớn.
Kênh bán hàng online trên facebook ngày càng phát triển và mang lại doanh thu lớn |
Thách thức thứ hai là đối tượng đánh thuế. Rõ ràng không thể đánh thuế người dùng bởi như vậy sẽ cản trở người dùng, càng không thể đánh thuế Facebook hay Google vì các công ty này không ở Việt Nam. Nếu đánh thuế đại diện các công ty này tại Việt Nam thì các đại diện cho rằng, họ chỉ thu hộ các công ty chủ tại nước ngoài.
Mặc dù vậy, theo nhiều ý kiến, không phải là không có cách đánh thuế với các công ty trên. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã từng nêu nội dung đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook,…) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Youtube cũng ước đạt doanh thu hàng trăm triệu USD nhưng cơ quan thuế Việt Nam gần như không thu được thuế |
Theo Bộ Tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức: qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh - kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Mặt khác, với việc thanh toán dựa vào số lần nhấp chuột trả tiền thì việc xác định doanh thu quảng cáo của nhà mạng nước ngoài không dễ dàng vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài. Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ. Do đó, để quản lý thuế cần sửa đổi Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành cùng vào cuộc.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty CP Thanh toán quốc gia - Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước) để cơ quan thuế có cơ sở kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này, từ đó đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế. Các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Loại hình này đã được các nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện./.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thẳng thắn cho rằng, việc các doanh nghiệp như Google và Facebook, đang có doanh thu rất lớn nhưng lại không đóng thuế hoặc đẩy nghĩa vụ thuế sang các đối tác trong nước đã gây mất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. “Thời gian qua, khoản thuế nhà thầu mà cơ quan thuế thu được không phải do các doanh nghiệp nước ngoài như Google và Facebook nộp mà chính doanh nghiệp Việt Nam đóng. Đây là điều rất bất hợp lý” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Vẫn theo ông Long, nguyên nhân xuất phát từ việc chính sách thuế của chúng ta có nhiều điểm hở nên phải nhanh chóng sửa chính sách để lấp ngay kẽ hở này. “Không thể để các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, hưởng lợi trên đất nước ta nhưng lại không nộp thuế, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và gây bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế” - ông Long nhấn mạnh.