Để quản lý thuốc và giá thuốc, Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều giải pháp mang tính chất tình thế, khá nhiều văn bản pháp luật về lĩnh vực này cũng đã ra đời. Tuy nhiên, Bộ chủ quản vẫn tỏ ra lúng túng trong câu chuyện quản lý thị trường “nhạy cảm” này.
Kiểm soát giá cả và thúc đẩy nền sản xuất trong nước
Giải pháp được coi là có tính đột phá lớn nhất của ngành chính là Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC, ngày 19/01/2012 Hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế và Thông tư số 11/2012/TT-BYT, ngày 28/06/2012 về viêc lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hai văn bản này đã có tác dụng rất tích cực với công tác đấu thầu thuốc. Cụ thể, số tiền dành cho mua thuốc của các đơn vị dã giảm xuống một cách đáng kể, có nơi tới 30%; các thủ tục cấp phép đăng ký lưu hành thuốc cũng được thực hiện giản đơn hơn để đáp ứng nhu cầu của các DN.
Bên cạnh các chủ trương trên, việc triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cũng được coi là bước sáng tạo rất lớn của ngành trong việc thúc đẩy tiêu thụ và phát triển của ngành dược phẩm nội địa. Phải nói rằng, nội dung của Đề án khá là khá rộng và có sự tham gia của rất nhiều nhóm đối tượng.
Ngoài văn bản này, theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Thông tư liên tịch số 01 đã có nhiều nội dung thể hiện sự ưu tiên đối với các DN sản xuất và kinh doanh dược phẩm trong nước. Chính sách, chủ trương là như thế, nhưng thực tế chất lượng thuốc vẫn là vấn đề nan giải; giá thuốc vẫn nhích lên từng ngày và tỷ lệ thuốc nội vào được các cơ sở y tế vẫn rất ít ỏi.
Chất lượng thuốc của ta không thua kém so với thuốc ngoại, chúng ta có tới 70-80% số bệnh nhân là bệnh nhẹ, tại sao không dùng thuốc nội? Tại sao không cho thuốc Việt Nam trúng thầu để thúc đẩy nền sản xuất trong nước? là những câu hỏi bà Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra tại Hội thảo.
… Vẫn còn nhiều kẽ hở pháp lý
Những thắc mắc này của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chính là thắc mắc, bức xúc của đại diện các DN dược phẩm trong nước tại Hội thảo bàn về việc sửa đổi Luật Dược và Chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh dược.
Ông Nguyễn Văn Trang, GĐ Công ty Dược Hải Dương phản ánh, vẫn biết ưu tiên các loại thuốc giá rẻ vào bệnh viện là có lợi cho Qũy khám chữa bệnh BHYT cũng như người dân, tuy nhiên lại làm khó cho DN.
Cụ thể, theo ông Trang, Thông tư 11 quy định các thuốc cùng loại có giá cả thấp hơn sẽ được trúng thầu. Tuy nhiên, với những thuốc khó đánh giá chất lượng như thuốc y học cổ truyền, làm sao khẳng định được các loại thuốc trúng thầu là tốt và thuốc bị loại là kém chất lượng?
Trong khi đó, việc giá nguyên liệu chính hãng và “trôi nổi” khác nhau “một trời, một vực”. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng đối với các DN cùng sản xuất một loại thuốc y học cổ truyền nhưng nhập nguyên liệu có xuất xứ không giống nhau.
Thực tế này cũng sẽ dẫn đến việc các DN làm ăn chân chính bị thiệt hại rất nhiều, trong khi các DN khác đương nhiên “lách luật” để hạ giá thành sản phẩm, không loại trừ họ trà trộn cả nguyên liệu kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Bà Lê Trâm, Công ty TNHH Thiên dược cũng bức xúc cho hay, một tình trạng tồn tại khá phổ biến hiện nay là việc quảng cáo quá mức của các mặt hàng thực phẩm chức năng (quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc, có tác dụng hơn cả thuốc chữa bệnh).
Có một bất cập là, thực phẩm thì không phải quản lý giá, không công bố giá, trong khi lợi nhuận cao gấp 300-400 lần nên các DN kinh doanh mặt hàng này sẵn sãng chi hoa hồng rất cao cho các bệnh viện để được trúng thầu.
Đây cũng là lợi thế của các loại thuốc nước ngoài bởi chi phí cho việc quản cáo và tiếp thị sản phẩm, hoa hồng co các cơ sở y tế của họ cao hơn các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc trong nước. Trong khi đó, họ lại được tiếp tay bởi những bác sỹ, lãnh đạo bệnh viện “vô cảm” với tính mạng, sức khỏe của người bệnh và coi trọng đồng tiền thì lại càng nguy hiểm hơn.
Phản bác lại ý quan điểm này, đại diện Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế cho rằng, thực hiện tốt việc đấu thầu thuốc và thúc đẩy thuốc sản xuất là vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, thực tế, người có trách nhiệm đấu thầu là lãnh đạo bệnh viện, nhưng người kê đơn thuốc lại là bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, trong khi đó trình dược viên thì vô tư gặp bác sỹ, không cần gặp lãnh đạo bệnh viện. Các DN thậm chí sẵn lòng hỗ trợ cho các bệnh viện, Bộ Y tế để tổ chức các hội thảo, hội nghị… “Rõ ràng họ phải được lợi gì trong đó họ mới làm!” – đại diện này nhận định.
Lời kết
Từ thực tế và các ý kiến trên có thể thấy, việc quản lý thuốc và giá thuốc vẫn là vấn đề nan giải. Người nọ đổ lỗi cho người kia, suy cho cùng tất cả vẫn bị quy định bởi lợi ích, lợi nhuận của họ. Mà giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa các bên thật là khó, cuối cùng chỉ người bệnh chịu thiệt.../.
Trà Long