Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần cơ chế đồng bộ và đồng thời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới cùng một khung pháp lý, cùng một thời điểm sẽ không chỉ mang lại tác động tích cực đến người sử dụng, các doanh nghiệp, thị trường mà còn cho cả cơ quan chức năng.
Tọa đàm “Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. (Nguồn ảnh: TL)
Tọa đàm “Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. (Nguồn ảnh: TL)

Thuốc lá thế hệ mới trở thành nhu cầu có thực

Hiện nay tại Việt Nam, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đang sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Việc sử dụng sản phẩm này không phải là trào lưu nhất thời trên thị trường mà đã trở thành nhu cầu có thực của nhiều người tiêu dùng. Khảo sát của một cơ quan truyền thông vào tháng 10/2022 ghi nhận số người tham gia khảo sát biết hoặc đã từng tiếp cận sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) lần lượt là 50% và 97%. Khảo sát của Bộ Y tế năm 2021 cũng cho thấy chỉ trong 5 năm (2015 - 2020) tỷ lệ sử dụng TLĐT đã tăng tới 18 lần.

Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý thuốc lá thế hệ mới sao cho không những mang lại tác động tích cực không chỉ với người sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn tác động tích cực cho xã hội trong dài hạn từ hoạt động của quản lý của cơ quan chức năng. Đây cũng là chủ đề của buổi tọa đàm được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Tại đây, các chuyên gia đã có những thảo luận và chia sẻ về sự phổ biến của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm TLĐT và TLLN cũng như khung pháp lý dành cho nhóm sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, xét về đặc tính kỹ thuật, TLĐT và TLLN đều không có quá trình đốt cháy, người dùng có thể hấp thụ nicotin qua khí hơi (aerosol) được tạo ra từ quá trình làm nóng dung dịch bằng thiết bị điện tử. Quá trình đó không sản sinh ra tar (hắc ín), giúp giảm thiểu tác động lên sức khỏe người dùng so với thuốc lá truyền thống. Từ sự tương đồng đó, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và Bộ Tài chính đã phân loại gồm TLĐT và TLLN vào cùng một nhóm mã HS chung là 2404 - nhóm sản phẩm chứa nicotin hoặc thành phần thay thế nicotin mà không có quá trình đốt cháy, phân biệt rõ ràng so với phân nhóm 2402 dành cho thuốc lá điếu truyền thống. Điều này đã tạo ra sự nhất quán bước đầu trong việc quản lý và kiểm soát thuế, thống kê và phân loại đối với các sản phẩm liên quan đến thuốc lá.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, xét dưới góc độ pháp luật hiện hành, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới dù sản xuất từ thuốc lá hay từ các nguyên liệu thay thế khác thì đều là thuốc lá, đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Từ đó có thể thấy, thuốc lá thế hệ mới cần được quản lý theo luật hiện hành như đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường và cần được quản lý một cách đồng bộ, đồng thời nằm trong khung pháp lý toàn diện nhằm giải quyết dứt điểm cho những bất cập hiện nay.

Cần thiết có cơ chế quản lý đồng bộ và đồng thời thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TL)

Cần thiết có cơ chế quản lý đồng bộ và đồng thời thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TL)

Quản lý đồng bộ thuốc lá thế hệ mới - ai hưởng lợi?

Trên thực tế, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là rất cao nhưng nghịch lý là toàn bộ các sản phẩm này tại thị trường Việt Nam hiện nay đều là hàng nhập lậu do chưa có một khung pháp lý rõ ràng để quản lý và kiểm soát. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, thành phần trong gồm TLĐT và TLLN. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người sử dụng gặp tai nạn khi dùng thuốc lá thế hệ mới kém chất lượng, trong đó có sản phẩm thuốc lá điện tử có hệ thống mở, một loại sản phẩm cho phép người bán lẫn người mua pha trộn hoặc nạp thêm dung dịch không rõ nguồn gốc vào sản phẩm.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì cấm hoàn toàn, Việt Nam cần có chính sách quản lý việc lưu thông thuốc lá thế hệ mới thông qua việc đưa các sản phẩm gồm TLĐT và TLLN vào quản lý đồng bộ và cùng một thời điểm dưới một khung pháp lý. Việc này giúp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và mang lại nhiều tác động tích cực lên xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Theo đó, người tiêu dùng là đối tượng hưởng lợi đầu tiên khi các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được đưa vào quản lý. Họ sẽ được tiếp cận với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của những nhà sản xuất uy tín và bảo đảm an toàn khi sử dụng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hải Công - Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Quân y 175, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều có hại, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng các chất độc hại trong thuốc lá thế hệ mới ít hơn so với thuốc lá truyền thống. Thuốc lá thế hệ mới mang lại lợi ích nhất định đối với một số đối tượng người dùng và những người hút thuốc lá điếu có thể chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới như một lựa chọn giảm tác hại lên sức khỏe. Vì vậy, ông nhấn mạnh việc quản lý thuốc lá thế hệ mới một cách đồng bộ và đồng thời giúp bảo vệ sức khỏe chung của cộng đồng, của xã hội.

Đối với doanh nghiệp, việc đưa cả hai sản phẩm TLĐT và TLLN vào quản lý sẽ góp phần bảo đảm trật tự kinh doanh; tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy tắc quốc tế. Các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đối với các cơ quan chức năng, quản lý đồng bộ TLĐT và TLLN sẽ góp phần giải quyết thực trạng nhập lậu, buôn bán trái phép; tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước; đồng thời hỗ trợ thực thi chiến lược giảm thiểu tác hại thuốc lá thông qua việc bảo đảm người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý như các quốc gia khác hiện đã và đang thực hiện. Bàn về vấn đề này, ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Nhu cầu về quản lý thị trường đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là có. Tôi nhận định các cơ quan chức năng cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời và giải quyết dứt điểm cho những bất cập hiện nay cho cả TLĐT và TLLN để góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu như hiện nay, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan quản lý thị trường”.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, dù chưa có quy định được phép kinh doanh, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, nhưng các sản phẩm cũng không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm. Để sớm đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý đồng bộ dưới cùng một khung pháp lý mà không cần bước thí điểm, Việt Nam nên khảo cứu thêm các kinh nghiệm quốc tế giúp quản lý thuốc lá thế hệ mới hiệu quả và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Đọc thêm