Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội (QH) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Đến nay, dịch bệnh đã ghi nhận tại 62/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt.
Qua hơn 5 tháng, đến nay, tình hình dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Trước tác động to lớn của dịch bệnh, thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Chính phủ đã quyết định triển khai một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch.
Thẩm tra nội dung này tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội của QH đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu…trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19; chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan (như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp....) để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo quy định tại mục 3.7 của Nghị quyết số 30.
Về vấn đề sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, Thường trực Ủy ban Xã hội lưu ý, nhiều lao động phi chính thức bị rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức và thu nhập để bảo đảm cuộc sống do dịch COVID-19. Cùng với đó, lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tránh dịch tiềm ẩn một số khó khăn cho địa phương về công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, chính quyền cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, lao động việc làm để người dân có thể yên tâm ở yên tại chỗ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đánh giá cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ thời gian qua, nhấn mạnh tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm điều chỉnh, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch vừa qua và đưa ra các khuyến nghị như hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp; chú trọng phục hồi đời sống xã hội bên cạnh phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh; có những hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng với nhóm lao động tự do, cũng như có kế hoạch thống nhất cụ thể, tuyên truyền đưa lao động trở lại các nhà máy một cách an ninh, an toàn, không để tái lây lan dịch bệnh...
Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhất trí với các bài học kinh nghiệm, các giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ; đề nghị Chính phủ cần lưu ý tập trung một số giải pháp trọng tâm, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân.