Quan tâm đúng mức tới đánh giá tác động mọi mặt của chính sách

(PLO) - Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 là tách quy trình xây dựng chính sách ra ngoài quy trình soạn thảo nhằm khắc phục tình trạng “vừa thiết kế vừa thi công” và nâng cao chất lượng hoạt động lập đề nghị xây dựng VBQPPL. 

Trong quy trình xây dựng chính sách, đánh giá tác động về mọi mặt của chính sách là bước vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phương án tối ưu nhất giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn quản lý. 

Hiểu được vai trò của đánh giá tác động chính sách đối với xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc xây dựng và duy trì một môi trường pháp lý có chất lượng mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều quan tâm và ưu tiên thực hiện. Ở nước ta, việc đánh giá tác động chính sách được quy định khá cụ thể trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.

Theo đó, đánh giá tác động chính sách cần dự báo được khả năng tác động của chính sách về các mặt kinh tế, xã hội, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, bình đẳng giới và các thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật… Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách phải nêu rõ mục tiêu, giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí; lợi ích của các giải pháp và lý do của việc lựa chọn. 

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức đã bắt đầu làm quen và quan tâm đúng mức đến quy định về đánh giá tác động pháp luật và đánh giá tác động chính sách. Cũng bởi vậy, việc đánh giá tác động chính sách đã có những chuyển biến tích cực qua từng năm. Bước đầu các cơ quan, tổ chức và đại biểu Quốc hội tiến hành đánh giá tác động chính sách trong quy trình lập đề nghị theo quy định của Luật. Ví dụ trong một số đề nghị xây dựng dự án luật đã có đánh giá tác động chính sách như Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia…

Cùng với đó, hoạt động đánh giá tác động chính sách đã được cải thiện hơn về chất lượng, biểu hiện qua báo cáo đánh giá tác động chính sách, có những chính sách được các cơ quan tiến hành đánh giá trên các mặt tác động kinh tế, xã hội, môi trường và bước đầu nâng cao chất lượng chính sách đề xuất.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan đó, thực tế có rất ít chính sách được tổ chức đánh giá một cách nghiêm túc, bài bản, thậm chí nhiều cơ quan có thẩm quyền không đưa việc đánh giá chính sách vào chương trình hoạt động của mình. Đánh giá tác động đôi khi mang tính một chiều, chỉ phản ánh nhận xét các cơ quan nhà nước mà không quan tâm đủ mức đến sự phản hồi từ xã hội…

Một thực tế khác là đánh giá tác động chính sách vẫn còn mang tính hình thức, thực hiện cho đủ các bước trong quy trình mà chưa coi trọng chất lượng hoạt động này. Một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phần đánh giá tác động chính sách còn sơ sài, thậm chí lựa chọn chính sách để đánh giá không điển hình; các tác động chưa được đánh giá nhiều chiều, chọn tác động trực tiếp và dễ để đánh giá, còn những tác động gián tiếp hoặc khó thì không đánh giá tác động. Thậm chí có những chính sách việc đánh giá tác động còn phiến diện chưa tương xứng với chính sách khác.

Do đó, để hoạt động đánh giá tác động chính sách trong thời gian tới được thực hiện có chất lượng và thực chất hơn, cần thiết xây dựng các tiêu chí đánh giá chính sách một cách đầy đủ và đúng đắn. Tùy theo từng lĩnh vực, sẽ có các tiêu chí đánh giá chính sách khác nhau nhưng chủ yếu tập trung vào tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính công bằng và mức độ giải quyết vấn đề chính sách. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến dư luận xã hội, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để thấy được các bất cập trong hoạch định và quá trình thực thi chính sách cũng như đầu tư nguồn kinh phí thỏa đáng, tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này để đưa hoạt động này vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn.

Đọc thêm