Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2019 và xây dựng, ban hành kịp thời Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.
Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh thêm. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện.
Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL được cải thiện tốt hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả trong công tác PBGDPL; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu LLTP, chứng thực, công chứng, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Đồng thời, tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia về "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam"; bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả đó tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm còn có những một số tồn tại, hạn chế như: vẫn xảy ra tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2019; còn tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành; công tác PBGDPL còn dàn trải, hình thức, chưa linh hoạt; công tác đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn xảy ra những sai sót. Trong công tác THADS, tỷ lệ thi hành xong về việc và về tiền giảm nhẹ so với cùng kỳ 2018.
Trao đổi tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng Lã Thanh Tân cho biết số lượng luật sư so với số dân trên địa bàn TP Hải Phòng hiện nay còn thấp, trong đó số lượng luật sư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, luật sư thông thạo ngoại ngữ, am hiểu pháp luật quốc tế còn thấp. Vì vậy, đề xuất xây dựng ban hành Thông tư mới về quản lý luật sư, thay thế Thông tư 17/2011/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư.
Liên quan tới lĩnh vực THADS, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Khánh Hòa Đặng Đình Quyền nêu lên khó khăn là hiện nay việc xác định thù lao dịch vụ bán đấu giá tài sản theo quy định phải phù hợp nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là phù hợp nên khó khăn trong lựa chọn tổ chức bán đầu giá tài sản. Do đó, đề xuất cần có cơ chế thù lao linh hoạt hơn đối với các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để tăng tính cạnh tranh với các tổ chức bán đấu giá tư nhân.
Còn về lĩnh vực lý lịch tư pháp (LLTP), Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết số lượng cấp phiếu LLTP ngày càng tăng, trung bình mỗi ngày Sở tiếp nhận khoảng 250 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Sở đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ để đảm bảo hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, Sở còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các ngành liên quan chưa phát huy hết trách nhiệm, vai trò trong việc cung cấp thông tin; hồ sơ lưu trữ của các ngành chưa đầy đủ, hoàn thiện; việc phối hợp cung cấp thông tin còn quá thời hạn.
Do đó, thời gian tới, kiến nghị các ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp, quan tâm hơn tới công tác lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ cung cấp thông tin và chia sẻ dữ liệu cho cơ quan Tư pháp đảm bảo khoa học và đúng thời hạn.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định Bộ, ngành Tư pháp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo phù hợp với nguồn nhân lực và nguồn kinh phí.
Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần lưu tâm hơn tới chất lượng và thời hạn của các hồ sơ trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ pháp chế các Bộ, ngành, đặc biệt là trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1).
Về lĩnh vực công chứng, Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh bỏ quy hoạch công chứng, phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các Văn phòng Công chứng thành lập ồ ạt.
Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu cần phân loại kỹ các hồ sơ và phân định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan trong vấn đề hộ tịch, quốc tịch có yếu tố nước ngoài; xử lý tốt các thông tin trong cấp phiếu LLTP; quan tâm tới công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật của người dân; ngành THADS thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu…