Quảng bá văn hóa Mông qua “Lặng yên dưới vực sâu”

(PLO) - Đỗ Bích Thúy là đã ghi dấu nhiều dấu ấn với độc giả và khán giả truyền hình bằng tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” được chuyển thể thành phim truyền hình “Chuyện của Pao” đầy ấn tượng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau sự mở màn ấy, Đỗ Bích Thúy tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật và đi sâu hơn nữa vào tinh lọc chất vàng của vùng đất miền cao. “Lặng yên dưới vực sâu” với sự tham gia của bốn nhân vật chính: Súa, Vừ, Phống, Xí, bốn con người làm nên bản tình ca buồn từ đầu cho đến lúc kết thúc và dư âm vẫn vang vọng mãi mỗi khi độc giả nghĩ đến. Súa và Vừ yêu nhau nhưng Phống đã cướp Súa làm vợ, Xí luôn quan tâm yêu thương Vừ… Bản tình ca không có một nốt vui ở số phận của cả bốn người, không một ai được hưởng hạnh phúc. 

Đúng như tác giả đã nói: “Vì bao nhiêu đau buồn nhất trên thế gian này đều dành cho đàn bà… bao nhiêu gánh nặng nhất trong đời người đều rơi trên vai đàn bà”. Súa phải lấy một người mình không yêu và sống như cái bóng trong nhà. Tục cướp vợ đã giày xéo lên cuộc đời bao người con gái để cuộc đời họ chỉ nhìn qua ô cửa sổ mờ mờ ánh sáng. “Một cái vực, miệng vực mở ra như bóng đêm” bóng đêm ấy nhấn chìm cuộc đời biết bao người. Họ quằn quại đau khổ trong cuộc sống và họ chết cùng với núi đá tự nhiên. 

Đề tài của Đỗ Bích Thúy không mới nhưng chị đã mở ra và dẫn lối bạn đọc đến với không gian văn hóa, tình cảm của con người Mông ở Hà Giang. Kết thúc truyện là sự gợi mở rất nhiều suy nghĩ cho bạn đọc. Rằng “cuộc sống đã dừng lại. Súa cảm thấy duy nhất điều đó, khi gió từ đáy vực đang cuộn lên như muốn lôi tuột theo cả Súa”. Câu chuyện lơ lửng ở đấy và đặt cho người đọc những dấu hỏi viết tiếp về con đường sau này của Súa.

Đỗ Bích Thúy đã mang hương vị của vùng núi cao hiểm trở đến với từng trang truyện. Chị viết về quê hương, viết về những con người mà chị đã sống cùng, chị đau cùng câu chuyện của họ, chị mang cả tình cảm ấy dấu trong từng câu chữ. Với giọng văn nhẹ nhàng, ngôn ngữ bình dị, Đỗ Bích Thúy đã đưa câu chuyện tình yêu đi sâu vào khoảng trắc ẩn của biết bao con người yêu đọc sách, yêu Hà Giang…