Quảng Bình: Có hay không việc “đóng cửa” tuyến du lịch hang Va - Nước Nứt?

(PLO) - Trước dư luận nhiều ngày qua cho rằng, Công ty du lịch Oxalis sẽ dừng khai thác tuyến du lịch “hang Va, hang Nước Nứt – Những trải nghiệm khác biệt” và đóng cửa tuyến này, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng khẳng định: “Không có chuyện đóng cửa tuyến du lịch này”.
Vẻ đẹp độc đáo của hồ thạch nhũ dưới nước trong lòng hang Va
Vẻ đẹp độc đáo của hồ thạch nhũ dưới nước trong lòng hang Va

Giá vé tham quan bị đẩy lên cao?

Ông Tịnh nói thêm rằng: “Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được giao quyền quản lý trực tiếp tuyến du lịch khám phá hang động mạo hiểm hang Va, hang Nước Nứt và đến nay, chưa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào ra quyết định đóng cửa tuyến này. Những dư luận và thông tin sai lệch đã gây hiểu nhầm, làm ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch tỉnh Quảng Bình”.

Hai hang Va và Nước Nứt nằm trong lâm phận của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khảo sát và công bố năm 2000. Đây là 2 hang động có hệ thống thạch nhũ khá độc đáo với những vòm đá cao, rộng hàng chục mét, trong hang Nước Nứt và các hồ thạch nhũ lạ kỳ trong hang Va. Du khách tham gia tuyến du lịch này sẽ có những trải nghiệm đặc biệt khó nơi nào có được khi được đi bộ xuyên giữa núi rừng nguyên sinh, lội suối sâu và vượt những bức tường đá vôi…

Từ trước đến nay, tuyến du lịch “hang Va, hang Nước Nứt – Những trải nghiệm khác biệt”, do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) là đơn vị  trực tiếp khai thác theo Quyết định số 1947/ QĐ–UBND ngày 16/7/2015 do UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt. Nhưng ngày 24/1 vừa qua, Công ty Oxalis đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và các đơn vị liên quan xin chấm dứt khai thác tuyến du lịch này vào tháng 5/2017.

Nguyên nhân chính mà Oxalis xin chấm dứt là do các quyết định tăng phí tham quan, dịch vụ môi trường rừng và giám sát của kiểm lâm trong năm 2017. Cụ thể, theo hợp đồng đã có trước đây, phí tham quan và dịch vụ môi trường rừng trọn gói mà công ty nộp cho Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là 1 triệu đồng và 200 nghìn đồng phí giám sát của kiểm lâm. Tổng cộng là 1,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngày 24/1 vừa qua, công ty này nhận được thông báo của Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng về việc nâng tiền phí tham quan lên 1 triệu đồng, phí dịch vụ môi trường rừng 600 nghìn đồng và phí giám sát của kiểm lâm 200 nghìn đồng. Tổng cộng 1,8 triệu đồng. Công ty này cho rằng, với mức tăng thêm 600 đồng, họ sẽ bị lỗ và không thể thu hồi vốn đã đầu tư ban đầu. Văn bản của Oxalis cũng khẳng định, nếu chấm dứt khai thác hang Va và hang Nước Nứt, công ty sẽ dọn sạch toàn bộ trang thiết bị đã đầu tư trong hang để trả lại nguyên trạng.

Oxalis đơn phương chấm dứt hợp đồng?

Trước sự việc này, ông Lê Thanh Tịnh - Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, thực hiện quyết định số 1947/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình và Điều 9 của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý Vườn đã giao cho Phòng Kế hoạch - Tài chính làm việc với Oxalis để bàn về việc mức chi trả tiền dịch vụ môi trường năm 2017 của tuyến du lịch hang Va, hang Nước Nứt. Nhưng khi chưa thống nhất được mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, thì Oxalis đã có công văn về việc xin chấm dứt khai thác tuyến này. 

“Đây là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Oxalis chứ Ban quản lý Vườn chưa có bất kỳ 1 văn bản nào yêu cầu công ty này chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2017 là 600 nghìn đồng/khách như thông tin của dư luận cả”, ông Tịnh nói.

Ông Tịnh cũng khẳng định thêm, theo tính toán thì nếu tăng thêm 600 nghìn đồng phí dịch vụ môi trường rừng trong năm 2017, Oxalis vẫn có lãi. Hiện đang có nhiều đơn vị xin được khai thác hang Va và hang Nước Nứt với mức phí chi trả cao hơn cả Oxalis. Nếu Oxalis chấm dứt hợp đồng thì Ban quản lý sẽ chấp nhận và tổ chức đấu thầu để chọn một đơn vị khai thác có đủ năng lực thay thế và tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Theo quy định trong Điều 23, Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, thì trong trường hợp của hang Va và Nước Nứt, Ban quản lý Vườn liên kết, liên doanh với tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh du lịch sinh thái trên cơ sở đề án được UBND tỉnh phê duyệt. Còn theo Điều 9 của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì Ban quản lý Vườn tự thỏa thuận với đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng về mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, tìm hiểu của PLVN, Quyết định số 1947/QĐ–UBND của UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt đề án và công nhận tuyến du lịch “hang Va, hang Nước Nứt – Những trải nghiệm đặc biệt” lại quy định luôn cả giá mà đơn vị được giao khai thác tuyến du lịch chi trả cho Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng với tour 1 ngày là 300 nghìn đồng/khách và tour 2 ngày 1 đêm là 1 triệu đồng/khách.

Mức thu nộp trên đã bao gồm dịch vụ môi trường rừng, chi phí quản lý và các chi phí liên quan khác. Ngoài ra, quyết định còn chỉ định luôn cả Công ty TNHH MTV Chua Me Đất là đơn vị duy nhất được quyền khai thác. Điều này được cho là đã làm giảm vai trò thực tế của Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và giảm tính cạnh tranh công bằng của các đơn vị khai thác du lịch có năng lực khác.

Một nguồn tin khả tín cho hay, hôm 8/2, UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ trì một cuộc họp với các bên liên quan để bàn về phương án khai thác tiếp theo đối với tour du lịch khám phá hang Va, hang Nước Nứt cũng như thống nhất về các khoản dịch vụ môi trường rừng, phí quản lý, tham quan và các phí liên quan. Doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh này có chủ trương cụ thể để việc khai thác tuyến du lịch độc đáo này có hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, tăng nguồn thu ngân sách và đem lại một sản phẩm du lịch chất lượng, tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách đến với nơi được mệnh danh là “vương quốc hang động” - Quảng Bình.

Ban quản lý Vườn bị mất quyền?

“Quyết định số 1947/QĐ–UBND của UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt đề án và công nhận tuyến du lịch hang Va, hang Nước Nứt – Những trải nghiệm đặc biệt” do Phó Chủ tịch Trần Tiến Dũng ký, đã chỉ định Công ty TNHH MTV Chua Me Đất là đơn vị duy nhất được quyền khai thác tuyến này. Điều này được cho là đã làm giảm đi vai trò thực tế của Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và giảm tính cạnh tranh công bằng của các đơn vị khai thác du lịch có năng lực khác”.

Đọc thêm