Doanh nghiệp kêu khó, không hài hòa!
Những năm qua, cứ sau mỗi đợt mưa bão hay do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, dải cát trắng biển Cửa Đại lại được thay thế bằng những bao cát, cống bê tông, cọc tre cũ, mới xen lẫn nhau. Hàng quán ven biển vốn tấp nập trước đây giờ cũng hoang vắng vì tình trạng biển xâm thực mạnh, đang dần “ngoạm” hết bờ.
Không nằm ngoài dòng ảnh hưởng, Palm Garden Hội An (thuộc Cty TNHH MTV Phước Thịnh) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Doanh, quản lý Palm Garden Hội An, năm 2016, phía trước bờ biển của Palm Garden Hội An bị sạt lở nghiêm trọng, sóng đánh xói lở làm hư hỏng khuôn viên gây thiệt hại lớn. Cty đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để làm kè và mỏ hàn 2 bên kéo từ bờ ra biển hơn 80m mới mong giữ được tình trạng như hiện tại.
Trước tình trạng trên, Chính phủ cho thực hiện Dự án kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Hội An từ năm 2105. DA kè triển khai đến hết năm 2017, dài trên 1km, tính từ đoạn mép cuối Khách sạn Victoria Hội An đến mép đầu resort Palm Garden Hội An với vốn đầu tư 54 tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 45 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam và TP Hội An. Tiến độ thực hiện đã được 85%, đang dần hoàn thiện giai đoạn cuối. Tuy nhiên, ở đoạn cuối này cũng đang gặp trục trặc vì việc khớp nối với đoạn kè của Palm Garden Hội An thực hiện.
Đại diện Palm Garden phản ánh về tình trạng sạt lở và hiện đứng trước nguy cơ xâm thực mạnh |
Nói về điều này, ông Doanh phân trần, thời gian ổn định, tạo bãi chưa được bao lâu, tình trạng sạt lở đã bắt đầu quay trở lại. Đáng nói, việc DA kè hiện đang triển khai ngay sát Palm Garden Hội An. “Chúng tôi tìm hiểu và ghi nhận thực tế, khi DA kè làm mỏ hàn hướng ra biển, phía bên phải (nhìn từ bờ ra biển) sẽ được bồi, còn bên trái bị xói lở. Dù chưa nắm hết nguyên do, kỹ thuật nhưng qua thực tế, chúng tôi nhận thấy như vậy. Trước tình trạng cấp bách, phía công ty đã cắt bỏ bao bì của mỏ hàn trước đây đã làm để tìm giải pháp”, ông Doanh trình bày.
Ngoài ra, ông Doanh đề nghị khi thực hiện dự án, chính quyền cũng cần lắng nghe doanh nghiệp và tìm một giải pháp đồng bộ để tránh tình trạng xâm thực vào bãi biển của Palm Garden cũng như một số địa điểm khác.
Đáng nói, trong quá trình tìm hiểu thông tin về khu vực DA kè, thực tế cho thấy, có Công ty Cổ phần du lịch khách sạn Phát Đạt Quảng Ngãi, một số doanh nghiệp khác lại được chính quyền hỗ trợ thực hiện kè, còn phía Palm Garden lại không? Điều này đi ngược lại với thông tin ông Phạm Văn Điểu, Trưởng BQL Dự án đầu tư xây dựng TP Hội An cung cấp. “DA kè khẩn cấp chỉ thực hiện ở những khu vực dành cho công cộng, còn đoạn bờ biển nào thuộc doanh nghiệp, đơn vị đó tự thực hiện, thành phố sẽ tạo điều kiện về kỹ thuật cũng như đề xuất hỗ trợ một phần nguồn cung cấp cát để tạo bãi”, ông Điểu nói.
Ông Doanh chia sẻ thêm, việc công ty đã bỏ ra khoản kinh phí lớn trước đó, giờ lại bỏ thêm số tiền như vậy nữa để thực hiện tiếp thật khó khăn. Hơn nữa, doanh nghiệp đang đề nghị tạm dừng DA kè nhằm mục đích nghiên cứu đồng bộ nhưng họ (chính quyền - PV), vẫn thực hiện khiến nguy cơ sạt lở ở khu vực Palm Garden ngày càng trầm trọng thêm.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An phản bác, vào năm 2015, khi đề xuất thực hiện dự án khẩn cấp, sạt lở chỉ mới đến cạnh khu vực của Palm Garden. Hơn nữa, phía trước tuyến DA kè một số doanh nghiệp cũng tự bỏ kinh phí làm nhưng thực sự chưa đồng bộ. Trong đó, Khách sạn Victoria Hội An thực hiện kè mềm khẩn cấp thấy tốt, nên DA kè thực hiện theo mô hình của khách sạn này. Đến nay, thấy hiệu quả bước đầu.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An |
Theo ông Hùng, chính quyền đánh giá rất cao việc Palm Garden Hội An tự bỏ kinh phí để làm kè mềm để bảo vệ bờ biển chung của thành phố. Tuy nhiên, phía Palm Garden thực hiện chưa đồng bộ kỹ thuật mà DA kè khẩn cấp đang áp dụng, mới không đạt hiệu quả.
“Việc để xảy ra nguy cơ xói lở ở khu vực của Palm Garden như hiện tại, theo nhìn nhận của thành phố, do DA kè khẩn cấp nối mỏ hàn ra biển 60m để làm kè mềm, còn phía Palm Garden trước đây làm tới 80m. Vì thế, có hiện tượng sóng đi từ Nam ra Bắc vào khoảng hở ở khu Palm Garden gây xói lở. Hơn nữa, phía Palm Garden đã phá bao kỹ thuật ở múi hàn bên trong, nên cát thoát về phía Bắc. Điều này buộc chính quyền phải gấp rút thực hiện dự án để tránh tình trạng tuồn cát ra biển”, ông Hùng nhìn nhận.
Ông Hùng thông tin thêm, vừa rồi, thành phố có làm việc với Palm Garden, DA kè sẽ thực hiện làm mỏ hàn 60m theo như kế hoạch và đã có văn bản đề nghị Palm Garden khớp nối mỏ hàn 20m (từ DA kè khẩn cấp ra mép kè mềm của Palm Garden) và làm mỏ hàn 80m ở phía cuối khu Palm Garden để ngăn chặn xói lở”.
Nói về Công ty Phát Đạt được cho “ưu ái”, ông Hùng lý giải, đơn vị này sở hữu 2 ha đất trên từ đấu thầu đất nhà nước. Kể từ năm 2008 đến nay, vì gặp nhiều khó khăn nên chưa triển khai. Thời gian gần đây, công ty mới khởi động trở lại. UBND TP Hội An có đề nghị Cty Phát Đạt hỗ trợ 4 tỷ đồng để góp phần thực hiện kè, nhưng công ty trả lời khó khăn và chỉ cam kết hỗ trợ 1 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị khác như Cty Làng lụa (thuê đất) đồng ý hỗ trợ 1 tỷ đồng, hộ kinh doanh dịch vụ tên Tiến (thuê đất) cũng cam kết hỗ trợ 1 tỷ đồng. Số tiền đó sẽ đưa vào kinh phí thành phố góp vốn cho DA kè khẩn cấp.
Theo ông Hùng, hiện thành phố đã mời các nhà tham vấn nghiên cứu để thực hiện tiếp giai đoạn Dự án kè được tính từ Palm Garden ra hướng Bắc. “Việc không đưa vị trí Palm Garden vào Dự án 2 này xuất phát từ việc đơn vị không có văn bản đề nghị hỗ trợ gì nên thành phố chưa có cơ sở để đề xuất. Chúng tôi không dám hứa, nhưng nếu có văn bản, chính quyền sẽ tìm hướng giải quyết thích hợp cho doanh nghiệp”, ông Hùng cam kết.
(Còn tiếp)