Trước đó, nhà máy này đóng tại Cụm Công nghiệp Thương Tín 1 (phường Điện Nam Đông, TX Điện Bàn) gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc di chuyển một Dự án gây ô nhiễm môi trường về thượng nguồn sông, ngay lập tức vấp phải phản ứng của người dân, chính quyền dưới vùng hạ lưu, trong đó có Đà Nẵng.
Dân bức xúc?
Theo thông báo số 420 do Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn ký ngày 23/9, thống nhất cho phép Cty TNHH thép Việt Pháp (chủ đầu tư) được chọn địa điểm để lập dự án đầu tư NMT Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, với diện tích nghiên cứu khoảng 17,3ha. Thời gian hiệu lực của thông báo 12 tháng kể từ ngày ký. Trong đó, thời gian lập quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) dự án, trình thẩm định, phê duyệt tối đa 6 tháng.
Có 2 vị trí mà đơn vị tự chọn là cụm công nghiệp thuộc xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc). Sau đó, đơn vị chọn thị trấn Thạnh Mỹ vì xa khu dân cư. Việc thỏa thuận địa điểm này do giữa doanh nghiệp với người dân.
Tuy nhiên, ngay khi thông báo ra đời đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân lẫn chính quyền dưới vùng hạ lưu. Nhiều người tỏ ra ngao ngán vì hiểu rõ, từ năm 2012, NMT Việt Pháp ra đời với công nghệ lò cảm ứng trung tần, nguyên liệu là thép phế liệu cộng với phụ gia, công suất 48.000 tấn/năm.
Từ khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường cho người dân thuộc xã Điện Nam Đông (nay TX Điện Bàn). Quá bức xúc, người dân đã kéo đến cổng nhà máy dựng lều yêu cầu phải đóng cửa, di dời khỏi khu dân cư. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã “ra tối hậu thư” phải di dời vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TX Điện Bàn Trần Úc, cho biết, về kế hoạch di dời NMT Việt Pháp đưa ra có đề nghị Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí 123,85 tỉ đồng mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Với số tiền đề nghị nêu trên, TX Điện Bàn không có khả năng về ngân sách để bồi thường, hỗ trợ. Do đó, kế hoạch vẫn còn đang “loay hoay” tính toán.
Trong khi đó, đối với vị trí mới khảo sát tại thôn Hoa, thị trấn Thạch Mỹ, khi chính quyền tổ chức họp với 17 hộ dân để thông báo, lập tức gặp phải sự phản ứng gay gắt. Các hộ thôn Hoa bức xúc cho rằng nếu NMT đặt tại đây sẽ làm đảo lộn cuộc sống bà con. Lý do, khí thải ra của NMT bay xa 5-6 km chắc chắn dân sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, việc nhà máy xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn đổ ra môi trường theo khe xuống sông Vu Gia, không chỉ bà con sở tại mà người dân Đại Lộc (Quảng Nam) và cả Đà Nẵng nằm dưới hạ lưu cũng hệ lụy theo. “Chúng ta chỉ nhìn vào góc độ kinh tế mà không nhìn về môi trường, sẽ tai hại rất lớn cho tương lai”, ông Minh phân tích.
Tương tự, ông Kaphu Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cũng tỏ ra không hài lòng. Ông cho rằng, không hiểu lý do tại sao UBND tỉnh ký công văn cho phép khảo sát tại thôn Hoa như vậy.
Vị trí khảo sát tại thôn Hoa |
Đà Nẵng cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại
Ngày 6/10, Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, đã có văn bản gởi UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự quan ngại về việc cho phép đầu tư dự án NMT Việt Pháp tại huyện Nam Giang.
Công văn nêu, NMT Việt Pháp quy mô 180.000 tấn/năm nằm tại thôn Hoa thuộc lưu vực sông Vu Gia, hiện đang cung cấp khoảng 250 ngàn m3/ngày đêm cho nhà máy nước Cầu Đỏ của TP Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại địa phương. Vì thế, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hết sức quan ngại khi UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của Đà Nẵng.
Theo UBND TP Đà Nẵng, nội dung tại khoản 4, phần IV, mục A kết luận số 26-KL/TUQN- TUĐN ngày 27/4/2016 giữa Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trong thời gian đến thể hiện: “Các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan”.
“Vì vậy, UBND TP. Đà Nẵng kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân Đà Nẵng được biết”, nội dung văn bản đề nghị.
Chiều 9/10, trao đổi với PLVN về thông tin liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn, cho biết, dự án NMT Việt Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa gần nhà máy xi-măng Thạnh Mỹ, chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu sắt phế liệu để nấu; trong đó nước sản xuất được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường. Bụi, khí thải được xử lý qua 3 công đoạn…Do đó, ông khẳng định, nhà máy này chỉ ô nhiễm tiếng ồn và bụi chứ không phát sinh nước thải.
“Tỉnh cương quyết chủ trương không đánh đổi môi trường, không phải vì dự án mà bất chấp tất cả. Trước đây khi đặt nhà máy tại Điện Bàn cũng có đánh giá tác động môi trường nhưng thực tế chưa được tốt. Còn lần này, chỉ mới có chủ trương chứ chưa quyết định. Trên hết phải là đánh giá tác động môi trường”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, Dự án NMT Việt Pháp được hưởng các chính sách ưu đãi khi đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (huyện Nam Giang) thực hiện theo quy định tại các Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Vì thế, cũng cần xem xét kỹ lưỡng và nên có chế độ ưu đãi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Toàn nhấn mạnh, không nên và không có cơ sở so sánh ô nhiễm môi trường giữa NMT Việt Pháp với Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai, điều này sẽ dẫn đến hiểu nhầm về mức độ ô nhiễm.