Quảng Nam đốc thúc triển khai chương trình Sữa học đường

(PLVN) - Ngày 23/5, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã phát đi kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn tại cuộc họp với Sở GD-ĐT và các ngành liên quan về việc triển khai chương trình Sữa học đường.
Thể trạng, sức khỏe trẻ em miền núi Quảng Nam được cải thiện từ khi chương trình sữa học đường triển khai (năm 2020).

Trước đó, tại kỳ họp thường lệ giữa năm HĐND tỉnh khoá X, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn vì sao Chương trình Sữa học đường trong năm học 2022-2023 chậm triển khai, dẫn đến việc năm học đã kết thúc mà học sinh chưa được uống sữa.

Sau đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì buổi làm việc với Sở GD-ĐT và các ngành liên quan về việc triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở GD-ĐT rút kinh nghiệm, báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm trễ triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường, trình UBND tỉnh để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh về tiến độ triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và giải trình các nội dung liên quan theo quy định. Khẩn trương thực hiện các thủ tục tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để triển khai kịp thời việc cấp phát sữa cho các em học sinh ngay từ đầu năm học 2023-2024.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hợp đồng của Sở GD-ĐT với đơn vị cung ứng đảm bảo chặt chẽ, trong đó thực hiện việc thanh toán kinh phí theo học kỳ năm học và số liệu thực tế thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở GD-ĐT giải trình, làm rõ trách nhiệm để chậm trễ chương trình sữa học đường trong năm học qua và triển khai chương trình từ đầu năm học 2023-2024.

UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan trong việc giám sát, triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường; xác định nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường theo kế hoạch…

Liên quan đến sự việc này, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường giải thích, nguyên nhân dẫn đến việc chương trình chậm triển khai là do vướng mắc trong hồ sơ đấu thầu qua các bước thủ tục.

Theo ông Tường, hiện nay Thông tư 31 của Bộ Y tế về việc quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường đã bị hủy bỏ, Sở đang tìm quy chuẩn để đưa vào hồ sơ mời thầu nhưng chưa tìm ra. Mới đây, UBND tỉnh đã giao cho Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Sở Y tế họp bàn nhưng cũng chưa tìm ra quy chuẩn, dẫn đên vướng về hồ sơ.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, Sở Y tế có ý kiến cho rằng đơn vị chỉ quản lý các loại sữa mang tính chữa bệnh, còn sữa uống giải khát bình thường, sữa học đường thì do Sở Công thương quản lý.

“Sở GD-ĐT làm báo cáo cho UBND tỉnh, đề nghị giao Sở Công Thương chủ trì, xem xét quy chuẩn để giúp Sở GD-ĐT đưa vào phương án đấu thầu, mời thầu cung cấp sữa cho học sinh”, ông Tường nói.

Ông Tường cho rằng, có một nguyên nhân khác khiến sữa học đường chậm đến với học sinh là do năm học thường bắt đầu từ tháng 9 năm nay và kéo dài đến tháng 5 năm sau, nhưng giao ngân sách cho sữa học đường giao theo năm tài chính (từ tháng 1 đến tháng 12 hằng năm). Vì vậy, khi chương trình Sữa học đường gặp vướng mắc, hoàn thiện xong các thủ tục (tháng 5) thì cũng đã... hết năm học.

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD-ĐT đã tham mưu thay đổi cơ chế, cho làm hồ sơ mời thầu theo năm học chứ không theo năm tài chính và UBND tỉnh đồng ý. Hiện Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành để hoàn thiện hồ sơ thủ tục đấu thầu, đầu năm học 2023-2024 học sinh sẽ được uống sữa trong chương trình Sữa học đường.

Theo nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh Quảng Nam, từ tháng 6/2020, tỉnh này đã triển khai chương trình hỗ trợ sữa học đường miễn phí đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 575 điểm trường tại 6 huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn.

Thống kê cho thấy, trong 3 năm, 2020 – 2022, đã có gần 100.000 lượt trẻ em miền núi hưởng lợi từ chương trình này với hơn 10 triệu hộp sữa miễn phí. Mỗi ngày trẻ được uống 1 hộp sữa 180ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian 9 tháng/năm học.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 50,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Sau hai năm thực hiện, đa số trẻ được cải thiện về thể lực và trí tuệ; trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tập trung chú ý trong các hoạt động, trẻ háo hức đi học chuyên cần hơn.

Cuối tháng 5/2022, nghị quyết số 15 hết hiệu lực và được thay thế bằng nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh Quảng Nam về tiếp tục thực hiện chương trình sữa học đường với kinh phí dự kiến khoảng 151 tỷ đồng. Trong đó, năm học 2022-2023 được bố trí hơn 21,5 tỷ đồng.