Đề án có mục tiêu bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội.
Đề án cũng nhằm góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh; Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hoá và giá trị đương đại của di sản; Giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tầm quan trọng, các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu phố cổ Hội An.
Đồng thời, đề án có mục tiêu gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản, nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một “Di sản sống”.
Mục tiêu đến năm 2035, bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị; nguồn lực về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ đảm bảo đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.
Đề án này có dự toán tổng kinh phí thực hiện 1.670 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An 1.290 tỷ đồng; nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An 180 tỷ đồng; nguồn vốn tài trợ, ODA 200 tỷ đồng.
Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Gần đây, thành phố Hội An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn xây dựng hồ sơ gia nhập “mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO”. Đây là cơ hội tốt để thành phố Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như: bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đặc biệt, qua đó củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử và tiếp tục thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại, dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn con người và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển; chưa đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển; thiếu nguồn lực đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của di sản.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, môi trường sinh thái của Hội An đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá truyền thống, mất cân bằng trong phát triển.
Ngoài ra, những biến động khó lường về tình hình chính trị quốc tế, dịch bệnh toàn cầu, biến đổi khí hậu, kỷ nguyên số… đặt ra nhiều thách thức lớn đối với việc bảo tồn, xây dựng và phát triển thành phố Hội An.
Theo đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ Hội An đến năm 2030, định hướng 2035 mới được trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam định hướng Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Các chủ trương, chiến lược, quy hoạch phát triển của Trung ương và tỉnh Quảng Nam ban hành mở ra cho Hội An nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng thành phố trong thời kỳ mới.