“Mênh mang khúc nhạc tiếng đàn”
Còn nhớ, vào đầu năm 2006, các chuyên gia văn hóa đã phát hiện các bài ca trù tế Thành được chép trong một cuốn sách Hán Nôm ở đền Đồng Xâm (huyện Kiến Xương). Trong hội đền Đồng Xâm thuở xưa có tục chầu cử. Tục này có thể hiểu là khi mở hội đền, giáo phường ca trù ở các nơi thường cử những đào nương hát hay, những kép đàn giỏi về hát chầu thánh.
Bài tế tổ nghề ca công cùng với 8 bài ca trù tế Thánh ở Đồng Xâm đã được đưa vào hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi danh ca trù là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 1/10/2009, UNESCO đã công nhận ca trù của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thái Bình là 1 trong 16 tỉnh được UNESCO cấp bằng di sản ca trù.
Nhà điền sứ đã có công khai khẩn, mở mang đất đai lập ra huyện Tiền Hải, cũng là một danh sĩ có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển nghệ thuật ca trù ở Việt Nam và đã để lại di sản ca trù ở Thái Bình với nhiều làng ca trù nổi tiếng chính là Nguyễn Công Trứ.
Theo một số tư liệu, sau hòa bình lập lại (1954), ở Thái Bình có khoảng trên 50 đào nương, kép đàn chuyên hành nghề ca trù tập trung ở phố An Tập (TP Thái Bình). Những làng có người hành nghề này thường theo các giáo phường ca trù ở tỉnh ngoài kiếm sống. Những người này chỉ về hát ở hội làng mình khi có tổ chức hát ca trù. Trong hương ước cổ của nhiều làng xã ở Thái Bình có ghi rõ lệ hát ca trù khi làng mở hội.
Tuy là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, vừa độc đáo lại vừa có sức hút riêng trên m quê lúa Thái Bình, nhưng hiện nay, ca trù đang dần bị mai một. Từ sau năm 1954, tục hát ca trù ở vùng quê này không còn duy trì, khi phần đông nghệ nhân đã qua đời mà không có người nối dõi.
Năm 2007, một lớp học đặc biệt được mở trên miền quê giàu truyền thống này. Khi ấy, Sở Văn hóa Thông tin đã mở lớp đào tạo ca trù theo hình thức mời nghệ nhân từ các giáo phường ngoài tỉnh và các chuyên gia ở trung ương về truyền nghề.
Nghệ thuật Ca trù được biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa của địa phương. (Ảnh: P.V) |
Những người góp sức vào công cuộc nhen lại ngọn lửa của ca trù trong những ngày khó khăn đầu tiên là ca nương Phạm Thị Chúc và kép đàn Nguyễn Phú Đẹ là hai nghệ nhân cao niên vào bậc nhất trong giới ca trù, cùng thạc sĩ ca trù Phạm Thị Huệ giảng viên Nhạc viện Hà Nội.
Họ về và đem theo một tình yêu cháy bỏng với ca trù bằng cách “chơi” môn nghệ thuật này rất riêng biệt, bằng cái tâm sáng đáng trân trọng. Như một sợi dây hữu duyên vô hình, những người nông dân bình dị khi ấy ý thức rất rõ việc họ đang làm: Học để hiểu biết thêm về ca trù như báu vật của quê hương cần được giữ gìn. Bấy nhiêu đó cũng đủ khiến trái tim mỗi nghệ sĩ ấm áp vô cùng.
Sau hai tháng đào tạo, kết quả thật bất ngờ, hơn 40 học viên theo học đã sử dụng thành thạo 5 khổ phách cơ bản và 5 làn điệu ca trù. Một điều kỳ tích sau đó là hai ca nương Trần Thanh Trà và Nguyễn Thu Hường của Thái Bình đã giành được 2 Huy chương Bạc tại Liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra hồi tháng 10/2007 ở Hải Dương.
Để ca trù thực sự lan tỏa trong đời sống
Nghệ nhân ưu tú Ngô Văn Đảm sinh năm 1928 tại một trong những cái nôi của ca trù - huyện Kiến Xương, quê lúa Thái Bình. Hiện nay, ở tuổi… U100, ông vẫn tự nhận mình là “nghệ sỹ đường phố” bởi ông vẫn đi diễn trên phố cổ Hà Nội. Trong trí nhớ của ông, từ bé lắm, những lời ca, tiếng đàn, thanh âm nhịp phách, trống gõ của những làn điệu ca trù đã lôi cuốn ông. Nhưng thuở ấy nhà nghèo, hơn nữa trẻ con đâu có được lui tới nơi vui chơi, đàn hát của những bậc quan lại, lý trưởng, chánh tổng trong làng. Nhưng vì muốn được xem, được nghe hát nên ông xin làm chân lính quạt hầu quan và cho những người đàn hát. Thế là vừa đứng quạt ông vừa học lỏm cách hát, cách gõ, ghi nhớ từng làn điệu, từng lời ca. Năm lên 6 tuổi, ông đã tiếp xúc với trống cơm, 8 tuổi đã kéo được nhị, lên 9 tuổi thành thục trống chầu. Sau khi đi bộ đội về Hà Nội sinh sống, ông thường đến nhà Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, bậc thầy về Ca trù để theo học.
Dù tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân Ngô Văn Đảm vẫn nỗ lực truyền nghề cho thế hệ sau. Hơn 80 năm tự tìm tòi, học hỏi, sưu tầm và nghiên cứu, nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm đã lưu giữ được nhiều tư liệu hiếm có và giá trị về nghệ thuật ca trù, bằng sách vở và trong trí óc của ông. Theo nghệ nhân Ngô Văn Đảm, đặc sắc nhất của ca trù đó là sự “đơn âm đa thanh” trong nhạc và sự đa tầng, đa nghĩa của vẻ đẹp tiếng Việt trong ngôn ngữ, lời ca. Đó là tính văn chương, thơ phú trong ca từ: sang trọng, lãng mạn nhưng dễ hiểu, mặt khác lại nôm na, đơn giản, rất tự do nhưng không dễ dãi, buông thả.
Từ tầng lớp thượng lưu, đến bình dân đều cảm nhận được cái hay, cái đẹp, bởi thứ văn chương ấy khi ca lên đã nói được tiếng lòng của họ. Hơn nữa, theo ông ca trù còn mang âm nhạc, một loại nhạc cổ đích thực Việt Nam.
Nhiều năm qua, nghệ nhân Ngô Văn Đảm đã đi nhiều tỉnh, thành phố, tham gia giảng dạy ca trù miễn phí tại nhiều trường đại học, các câu lạc bộ, nhóm hát, đặc biệt là cho các bạn trẻ. Ông chỉ mong muốn đem những kiến thức về văn hóa phi vật thể đáng quý của dân tộc mà mình có được truyền đạt lại cho nhiều thế hệ, để từ đó nghệ thuật truyền thống luôn được lưu truyền.
Lớp ca trù truyền dạy ở Thái Bình. (Ảnh: Sở VHTTDL Thái Bình) |
Thực tế, so với các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống khác, ca trù vẫn còn nhiều “thiệt thòi”. Các nghệ nhân ca trù chưa được quan tâm về vật chất, tinh thần, chưa được trân trọng đúng mức so với tài năng của mình. Chưa có những hội thảo lớn, chuyên sâu, cũng như không có địa điểm riêng biệt để ca trù phát huy nghề nghiệp như các loại hình nghệ thuật chèo, múa rối nước. Đó cũng là những yếu tố không thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển của nghệ thuật này.
Tại Thái Bình, một trong những khó khăn hiện nay, đó là các nghệ nhân ca trù còn lại rất ít, hoặc đã già yếu, mai một. Họ đem theo ngón nghề của mình chưa kịp truyền cho lớp trẻ. Mặt khác, giới trẻ lại thờ ơ với nghệ thuật hát ca trù, tài liệu sơ sài, cơ sở vật chất và các nhạc cụ phục vụ cho các diễn viên biểu diễn nghệ thuật hát ca trù còn thiếu, nên việc khôi phục và bảo tồn loại hình nghệ thuật này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà dòng chảy ấy bị chậm lại.
Thực hiện dự án Chương trình mục tiêu quốc gia của Viện Văn hoá dân gian Việt Nam, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Bình đã tổ chức mở lớp học đàn và hát ca trù cho 50 diễn viên, nhạc công không chuyên ở các huyện, thành phố qua sự truyền dạy của các nghệ nhân: Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ, đào nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Thăng Long.
Thái Bình cũng chú trọng phát hiện, truyền dạy, bồi dưỡng cho các ca nương, kép đàn trẻ tuổi bài bản, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật hát ca trù trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan, hội diễn.
Đồng thời, Thái Bình tiếp tục khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu để đánh giá khách quan về thực trạng loại hình nghệ thuật hát ca trù. Từ đó sẽ đề xuất và có chính sách cụ thể, trong đó đặc biệt là coi trọng vai trò truyền dạy và chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân đang nắm giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Yêu ca trù cũng là cách để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong cộng đồng về bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, di sản của quê hương. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập ngày một mạnh mẽ...
Và để bảo tồn và phục hưng môn nghệ thuật bác học kén người học, người nghe này, đòi hỏi các ngành chức năng đề ra giải pháp mang tính chiến lược nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù.