Theo đó, tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên, học viên tạm dừng đến trường. Thời gian tạm dừng này được thực hiện theo Quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của cấp có thẩm quyền ở địa phương.
Riêng đối với trẻ mẫu giáo, phương án yêu cầu các trường phối hợp hướng dẫn cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong thời gian không đến trường.
Còn với giáo dục phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và giáo dục thường xuyên, thực hiện dạy học, kiểm tra theo hình thức trực tuyến, kết hợp với các hình thức học qua kênh yotube, truyền hình...
Các hoạt động dạy và học mặc dù được thực hiện theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ sở GD&ĐT vẫn thực hiện công tác quản lý, điều hành các hoạt động. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ việc dạy học trực tuyến của giáo viên, việc học tập của học sinh, sinh viên.
Trường hợp các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cho học sinh, sinh viên đi học tập trung tại trường; các đơn vị GD&ĐT phải nâng cao ý thức thường trực trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, các hoạt động tập thể chỉ tổ chức trong phạm vi lớp, không tập trung học sinh toàn trường, đảm bảo giãn cách theo quy định. Bắt buột các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc, triệt để yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Đặc biệt, nhà trường, cơ sở giáo phục phải bố trí, trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn và hướng dẫn học sinh, sinh viên thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh thân thể. Bố trí phòng cách ly tạm thời, chuẩn bị dụng cụ y tế để sử dụng ngay khi phát hiện người có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Thường xuyên vệ sinh phòng học, nơi ăn, ở của học sinh, sinh viên; khuyến khích học sinh, sinh viên tự trang bị bình, ly uống nước, khăn lau tay riêng.
Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi về tình hình, diễn biến sức khỏe học sinh, sinh viên, ghi nhật ký công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở đơn vị; đối với những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải thông tin kịp thời với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại cơ sở, khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất khám sàng lọc và cách ly y tế, điều trị ngay nếu xét thấy có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Còn đối với các đơn vị có tổ chức bán trú nên trang bị khay thức ăn cho từng cá nhân, chia giờ ăn theo ca để tránh tập trung đông người trong cùng một thời điểm....
Bên cạnh đó, phương án của UBND tỉnh Quảng Nam cũng đặt ra các tình huống xử lý với trường học xuất hiện ca bệnh dương tính COVID-19 (F0), các trường hợp F1, F2 và diễn biến của F, F2 tại các cơ sở GD&ĐT.
Đặc biệt, phương án của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ, khi trường học xuất hiện ca bệnh dương tính COVID-19 (F0) thì sơ sở GD&ĐT tạm dừng hình thức dạy học tập trung, chuyển sang dạy học trực tuyến; khẩn trương báo cáo trường hợp F0 cho cơ quan y tế địa phương và phối hợp cách ly ngay F0, đưa F0 đến bệnh viện điều trị theo quy định; vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn những nơi F0 có đến, ở hoặc đi qua (phòng học, hành lang lớp học, nhà vệ sinh...); lập danh sách những người có tiếp xúc gần với F0 (F1) để phối hợp đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.
Về thời gian cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, phương án quy định như sau: Đối với trẻ dưới 16 tuổi thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày tiếp theo (theo đúng tinh thần Công văn số 7020/BYT-MT ngày 25/8/2021 của Bộ Y tế). Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ba lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.
Đối với học sinh từ 16 tuổi trở lên thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ba lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.
Trường hợp tất cả kết quả xét nghiệm lần 1 của F1 âm tính: hoạt động của trường trở lại bình thường sau khi đã chuyển ca F0 đến bệnh viện điều trị và phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường. Riêng lớp học có trường hợp F0 tiếp tục hình thức học trực tuyến (do các F1 đã bị cách ly, không đến trường trong thời gian này).
Trường hợp kết quả xét nghiệm lần 1 của F1 có mẫu dương tính (F1 trở thành F0): khẩn trương truy vết F1, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Nhà trường vẫn tiếp tục hình thức dạy học trực tuyến để xử lý triệt để ổ dịch.
Trường hợp kết quả xét nghiệm lần 2, 3 của F1 có mẫu dương tính (F1 trở thành F0 trong thời gian thực hiện cách ly), nhà trường thực hiện hoạt động dạy học tập trung; đồng thời, phối hợp với cơ quan y tế tiếp tục theo dõi sức khỏe, thực hiện khai báo y tế hằng ngày đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên qua các ứng dụng khai báo y tế.
Nếu trường học xuất hiện F1, các cơ sở giáo dục tiếp tục hình thức dạy học tập trung, riêng lớp có trường hợp F1 chuyển sang dạy học trực tuyến. Đồng thời, lập danh sách những người có tiếp xúc gần với F1 (F2); toàn bộ giáo viên, học sinh, sinh viên của lớp học là F2 phải cách ly tại nhà, tạm dừng đến trường chờ kết quả xét nghiệm lần 1 của F1. Nếu kết quả xét nghiệm F1 âm tính thì kết thúc cách ly F2, hoạt động của trường, lớp trở lại bình thường.
Nếu F1 trở thành F0 thì áp dụng thực hiện như quy định trường hợp trường có xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2.
Khi trường học xuất hiện F2, các cơ sở giáo dục tiếp tục hình thức dạy học tập trung; F2 tạm dừng đến trường và thực hiện cách ly tại nhà chờ kết quả xét nghiệm lần 1 của F1. Nếu kết quả xét nghiệm F1 âm tính thì kết thúc cách ly F2, F2 đi học trở lại bình thường.
Trường hợp nếu F1 trở thành F0 thì F2 trở thành F1 và áp dụng như quy định trường hợp trường có xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2.