Những ngày đầu tháng 5/2024, ông Cao Thanh Hà (tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) luôn tích cực cùng người trong thôn vào rừng tuần tra, kiểm tra, giám sát gần 500ha rừng trồng của hơn 100 tổ chức và cá nhân.
Tổ bảo vệ rừng thôn có 10 thành viên, hàng tuần chia ca vào rừng kiểm tra, giám sát các hộ dân phát dọn, chặt tỉa cây và người dân vào rừng lấy củi, mật ong, săn bắt.
Với người dân vào rừng, tổ yêu cầu tuyệt đối không được sử dụng lửa, nhất là giai đoạn cao điểm nắng nóng hiện nay. Với khu vực rừng có nguy cơ cao, tổ bảo vệ rừng yêu cầu các hộ dân, chủ rừng chủ động làm sẵn đường ranh cản lửa dài 100m, rộng 3m.
Từ 2009 đến nay, trên địa bàn thôn không xảy ra cháy rừng một phần nhờ việc chủ động ngăn chặn và nghiêm cấm không đốt thực bì. “Những ngày này đỉnh điểm nắng nóng, người dân đang khai thác rừng mạnh nên có khi cả đêm chúng tôi cũng phải đi tuần tra. Nắm được điểm nào có nguy cơ hay hộ nào đang khai thác, tổ đến vận động không đốt thực bì, đợi đến khi mưa xuống, độ ẩm cao mới tiến hành”, ông Hà nói.
Huyện Nghĩa Hành nằm tiếp giáp với các huyện có nhiều diện tích rừng như Ba Tơ, Minh Long, Đức Phổ nên phòng, chống cháy rừng (PCCR) là nhiệm vụ quan trọng, cùng là thách thức lớn với địa phương nhiều năm qua. Hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có hơn 12.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Toàn huyện có 60 tổ đội với hơn 660 người tham gia công tác PCCR tại 9 xã có rừng.
Theo ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc PCCR chủ yếu phụ thuộc lớn vào ý thức người dân, chủ rừng. Hiện nay, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 265 nghìn ha, trong đó hơn 100 nghìn ha rừng tự nhiên, còn lại rừng trồng. Mỗi năm, Chi cục tổ chức gần 450 đợt tuyên truyền bằng hình thức họp dân tại các khu dân cư thôn, bản; tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp xã; ký cam kết bảo vệ rừng với hơn 5.000 chủ rừng và người dân sống gần rừng với nội dung không phát dọn, đốt thực bì cao điểm nắng nóng; vào rừng không sử dụng lửa bừa bãi...
“Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy, thiêu rụi gần 7ha rừng, tăng 4 vụ và diện tích bị thiệt hại tăng hơn 4ha so với 2022. Nguyên nhân chủ yếu là một số chủ rừng chủ quan trong khâu xử lý thực bì sau khai thác. “Khi rừng còn, người dân ý thức rất cao trong công tác PCCR, nhưng khi xử lý thực bì, một số người lại ít quan tâm đến cháy rừng nên rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền địa phương cấp cơ sở”, ông Hưng nói.