Ông Nguyễn Sơn, công tác tại Sở GTVT cho biết tháng 10/2007 được Sở Nội vụ, bổ nhiệm vào ngạch công chức chính thức, là Thanh tra viên của Sở. Vừa qua, ông Sơn được ra quyết định điều động về nhận công tác tại Cảng Sa Kỳ.
“Do cảm thấy công việc tại cảng không phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ nên tôi xin ở lại, nhưng không được chấp nhận”, ông Sơn nói. Khi về đơn vị mới, ông Sơn mới biết mình bị cắt ngạch công chức trở thành viên chức, không còn 25% tiền phụ cấp (gần 2 triệu/tháng) nên làm đơn khiếu nại.
Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Song Trà, từng giữ chức Phó Bí thư Thành đoàn TP Quảng Ngãi, nay chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Quảng Ngãi, khi ở vị trí mới không được xếp vào công chức lẫn viên chức. “Tôi tha thiết xin ở lại đơn vị cũ nhưng không được. Qua làm được một tháng, khi nhận bảng lương tôi mới biết bản thân mình không được xếp vào ngạch bậc nào”, bà Trà cho biết.
Một trường hợp khác là ông Phan Thanh Hiếu, đang công tác tại Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây ông là giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Năm 2014 ông được điều chuyển sang giữ chức Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh. Năm 2016 ông nhậm chức Phó Bí thư huyện Nghĩa Hành nhiệm kỳ 2015-2020. Trong quá trình công tác, ông chưa phải nhận bất kỳ kỷ luật nào. Ngày 15/4 vừa qua ông bị điều động qua làm việc tại Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
Từ công chức Phó Bí thư huyện, ông Hiếu bất ngờ “mất sạch mọi thứ”, từ ngạch công chức đến không được xếp ngạch, bậc nào (công chức hay viên chức). “Khi sang công tác tại đơn vị mới, tôi bị mất 55% tiền phụ cấp, gồm 25% tiền công chức, 30% công tác tại khối Đảng và các tổ chức chính trị. Ước tính mỗi tháng tôi không còn hơn 4 triệu đồng”, ông Hiếu nói.
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh thông tin, đối chiếu quy định hiện hành và ý kiến từ các cơ quan tham mưu, tại cuộc họp sắp đến, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét để có chỉ đạo cụ thể, phù hợp đối với trường hợp công chức sau điều động trở thành viên chức.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ), thì phản hồi: “Việc điều động cán bộ là công tác bình thường, vẫn diễn ra ở mọi nơi theo đúng quy định”. Theo bà Hà, quy định của Chính phủ thể hiện, cán bộ đang là công chức công tác tại cơ quan hành chính nhà nước, khi được cơ quan có thẩm quyền điều động xuống đơn vị sự nghiệp, cán bộ đó thành viên chức.
Với các khoản lương, phụ cấp, bà Hà xác nhận, khi bị điều chuyển như vậy, cán bộ sẽ mất 25% tiền phụ cấp công vụ với Nhà nước và 30% tiền phụ cấp đối với khối Đảng. Còn lương cán bộ sau điều chuyển vẫn theo ngạch bậc bình thường, 3 năm vẫn tăng lương như quy định. “Khi điều chuyển, họ trở thành viên chức. Nhưng khi được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển trở lại đơn vị cũ hay cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ đó không phải kiểm tra, sát hạch mà trở thành cán bộ công chức”, bà Hà nói.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng cho rằng việc điều chuyển công tác cán bộ đều được thực hiện theo đúng quy trình, quy định và do tập thể cơ quan có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng. Ông Tùng lấy ví dụ như trường hợp điều chuyển ông Hiếu dựa trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành. Kết quả lấy phiếu, ông Hiếu nhận 23/33 phiếu tín nhiệm thấp.
Về trường hợp ông Nguyễn Sơn, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh cho rằng công tác điều chuyển đúng quy định. Mặt khác, việc đưa cán bộ đến các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở cũng là trải nghiệm giúp cán bộ có thêm kinh nghiệm. Sau này, nếu cán bộ có trình độ tốt, phẩm chất tốt thì vẫn được điều chuyển về lại Sở khi có nhu cầu.