Chợ Hạ Long I là chợ nổi tiếng của thành phố Hạ Long, không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán của người dân địa phương mà đây còn một trong những điểm ghé thăm và mua sắm của các du khách quốc tế. Với sự đa dạng các mặt hàng như đồ lưu niệm, đặc sản mực, cá, mỗi ngày chợ thu hút hàng trăm lượt khách du lịch. Đặc biệt vào mùa hè, cao điểm một ngày chợ Hạ Long I đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước.
Có mặt tại chợ Hạ Long 1 vào chiều ngày 19/3, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận sự vắng vẻ lạ thường của khu chợ. Cả khu chợ tối om, các gian hàng từ tầng 1 cho đến tầng 2 đều đóng cửa, một số gian hàng thì phủ bạt kín mít lên hàng hóa, chỉ còn những tốp khách du lịch ngơ ngác nhìn chợ rồi bỏ đi.
Chị Nguyễn Thị Vi, một du khách Hải Phòng cho biết, không hiểu tại sao một chợ lớn vậy mà hàng trăm gian hàng đều đóng cửa. Nghe nói chợ Hạ Long nhiều đồ lưu niệm nên muốn nghé qua mua nhưng không mua được. "Là chợ lớn của thành phố du lịch mà lại đóng cửa im lìm thế này tôi chưa từng thấy" - chị Vi nhận xét.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 7/3 vừa qua, UBND TP Hạ Long ra văn bản số 02/TB-BQL thông báo về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn chợ Hạ Long I năm 2018. Theo đó, mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hạ Long năm 2018 đối với chợ Hạ Long I đồng loạt tăng. Cụ thể là, giá thu gom và vận chuyển và xử lý rác thải đối với các hộ kinh doanh hải sản tươi sống là 235 nghìn đồng/hộ/tháng; kinh doanh rau 195 nghìn đồng/hộ/ tháng; kinh doanh hàng khô, quả tươi, giải khát, hải sản khô 165 nghìn đồng/hộ/tháng; các ngành hàng khác 135 nghìn đồng/hộ/ tháng.
Được biết, biểu phí mới của TP Hạ Long đã vấp phải phản đối của đa số các tiểu thương trong chợ. Chị Nguyễn Thị Minh, hộ kinh doanh bánh kẹo gần 30 năm trong chợ Hạ Long cho biết: “chúng tôi rất bất ngờ vì mới đầu năm đây là lần thứ hai chúng tôi nhận thông báo tăng phí dịch vụ. Đầu tháng 1/2018, tiền trông giữ hàng hóa ban đêm từ 70 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng/ tháng. Đến nay lại tiếp tục tăng giá dịch vụ vệ sinh rác, với mức tăng hơn hai lần mức giá cũ là khó chấp nhận”.
|
Các gian hàng phải đóng cửa do không được cung cấp điện |
Cho rằng việc tăng mức phí rác các hộ không được bàn bạc, thống nhất hay thông báo trước và Ban quản lý chợ đã yêu cầu áp dụng ngay mức phí mới, đồng thời yêu cầu truy thu mức giá vệ sinh trên với cả hai tháng đầu năm 2018 là vô lý nên các tiểu thương đã đồng loạt không đóng phí. Vì lý do các tiểu thương chưa nộp tiền phí dịch vụ theo đơn giá mới, Ban quản lý chợ đã cắt điện nên toàn bộ hoạt động buôn bán tại khu chợ đều dừng lại.
Chị Đỗ Thị Loan, một tiểu thương trong chợ chia sẻ: “thu nhập chính của gia đình tôi đều trông chờ vào hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Chỉ một ngày không kinh doanh buôn bán đã khiến các tiểu thương lao đao, đằng này đã ba ngày nay bị cúp điện, không buôn bán được gì, các tiểu thương đã nhiều lần ý kiến với ban quản lý chợ nhưng đều không được cấp điện trở lại. Đến hôm nay, khi thấy các hộ ý kiến quá nhiều, Ban quản lý chợ chỉ bật điện tại các hành lang chợ nhưng cũng không thể cải thiện được tình hình chung”.
Cách thức ban hành và triển khai một quy định mới thiếu thông tin tương tác giữa người ban hành và các đối tượng bị ảnh hưởng đã khiến một quy định mới của TP Hạ Long gây sốc cho các đối tượng bị áp dụng. Cách xử lý mâu thuẫn về mức phí môi trường của Ban quản lý chợ bằng việc cắt điện, triệt đường làm ăn của tiểu thương lại một lần nữa đẩy mâu thuẫn trở nên căng thẳng hơn. Quá bức xúc trước tình hình trên, ngày 19/3, hàng trăm tiểu thương của chợ Hạ Long I đã tập trung tại UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh vào cuộc giải quyết và “giải cứu” các tiểu thương khỏi cảnh mất điện, mất nghề.
Báo Pháp Luật Việt Nam tiếp tục tiếp thông tin.