Quảng Ninh: Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân

(PLO) - Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ở Quảng Ninh có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn Quảng Ninh.  
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan sản phẩm OCOP Quảng Ninh
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan sản phẩm OCOP Quảng Ninh

Ông Lê Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long cho biết, là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, doanh nghiệp đón  nhận  Đề  án OCOP như là một hương gió mới, bởi đây sẽ là cơ hội, cơ sở pháp lý để công ty tiếp tục mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhiều loại sản phẩm có thương hiệu của Quảng Ninh. 

Chương trình OCOP không chỉ thúc đẩy sản xuất, khai thác các tiềm năng và thế mạnh của địa phương, mà còn xây dựng mối liên kết giữa các hội sản xuất, tổ chức, cá nhân qua mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này được thể hiện rõ ràng như: Các tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn: Năm 2014 có 40 tổ chức kinh tế tham gia, đến 2018 đã có 130 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia Chương trình OCOP. Với tổng vốn pháp định đăng ký hơn 400 tỷ đồng (tăng so với năm 2017 gần 100 tỷ đồng), tổng  số lao động 2.639 người; phần lớn các mô hình kinh tế này đều có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Du khách tham quan và mua sắm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh
Du khách tham quan và mua sắm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh

Các sản phẩm OCOP được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phục vụ phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh. 

Năm 2014 có 60 sản phẩm, đến tháng 9/2018 đã có 322 sản phẩm, trên 85% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy suất nguồn gốc. Về Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP năm 2017 ước đạt gần 700 tỷ đồng, nhờ gia tăng giá trị sản phẩm trên 30% và tăng về quy mô sản xuất trên 18%. Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh, góp phần giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.   

Đọc thêm