Đảo Rều (còn được gọi là đảo Khỉ) thuộc Vịnh Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được hình thành từ năm 1960, có diện tích 22ha, nằm cách Vũng Đục khoảng 3 km. Là nơi sinh sống hoang dã của khoảng hơn 1000 con khỉ.
Đảo Rều là Trung tâm nghiên cứu sản xuất vacxin và sinh phẩm y tế với nhiệm vụ Nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng công nghệ mới để sản xuất vacxin Sabin theo kế hoạch của Bộ Y tế duyệt hàng năm.
Đảo Rều là khu vực chưa có điện lưới quốc gia. Việc cấp điện để chăn nuôi phát triển đàn khỉ và phục vụ cán bộ trên đảo được cung cấp tạm thời từ một máy phát diesel công suất 30 kVA do ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần và một phần do cán bộ trên đảo tự đóng góp xây dựng.
Thời gian vận hành máy phát từ 18-22h hàng ngày. Do vậy chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ về nhu cầu cung cấp điện để nuôi dưỡng, phát triển đàn khỉ và nghiên cứu chắt lọc lấy mẫu huyết tương của khỉ… Mặt khác, chi phí mua dầu chạy máy phát mỗi tháng rất lớn.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế có ý nghĩa an sinh cộng đồng, Công ty Điện lực Quảng Ninh đề xuất Dự án cấp điện lưới Quốc gia cho đảo Rều với tổng mức đầu tư là gần 15 tỷ đồng. Việc triển khai dự án phù hợp với quy hoạch phát triển lưới điện tỉnh Quảng Ninh.
Lãnh đạo Công ty điện lực Quảng Ninh kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi đóng điện chính thức |
Dự án được triển khai thực hiện từ nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và giao cho Công ty Điện lực Quảng Ninh làm chủ đầu tư, quy mô của dự án gồm: Xây dựng mới 3,8 km đường dây 22kV, 216m đường cáp ngầm 22kV; 01 tủ RMU và 01 trạm biến áp 400 kVA- 22/0,4kV; Phần hạ thế: 1.043m cáp ngầm hạ thế; 11 tủ hạ thế và 14 công tơ một pha.
Dự án được khởi công ngày 10/4/2018. Sau hơn 7 tháng thi công khẩn trương tích cực, đúng quy trình quy định và được các đơn vị tư vấn kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công trình Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Rều đã hoàn thành và chính thức đóng điện vào hồi 10h30 ngày 30/10/2018.
Bác sĩ thú y Vũ Công Long, Trại trưởng Trại chăn nuôi đảo Rều cho biết, việc có điện lưới quốc gia không chỉ phục vụ sinh hoạt và đời sống cho 13 CBCNV trên đảo, mà còn có ý nghĩa rất lớn cho việc mở xưởng chế biến thức ăn cho con khỉ, xây dựng nhiều phòng thí nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật y học để nghiên cứu sản xuất vacxin, các sinh phẩm y tế ngay trên đảo để có chất lượng tối ưu nhất, góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng.
Ông cũng chia sẻ thêm từ một con khỉ có thể chế xuất ra được 1000 liều vacxin sabin phòng chống bại liệt cho trẻ em. Vì vậy việc có điện lưới quốc gia trên đảo khỉ có giá trị rất lớn, cho hiện tại ngày hôm nay và còn để lại cho muôn đời sau.