Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, quan trọng nhất trong việc phòng, chống SXH là nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên để khoanh vùng, xử lý kịp thời, bởi mỗi ca bệnh chỉ cần chậm phát hiện 1 ngày thì đã có khả năng 10 người bị lây truyền do muỗi đốt từ người bệnh sang người lành.
Thực tế hiện nay, công tác giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát huy khá tốt hiệu quả với sự vào cuộc tích cực của người dân. Ngoài những ca bệnh phát hiện trong quá trình nhập viện điều trị, nhiều ca dù không đến viện, song cũng được người dân trong khu thông báo đến các trạm y tế hoặc chính quyền địa phương.
Khi tiếp nhận thông tin, các đơn vị y tế cũng đã chủ động xử lý môi trường nơi bệnh nhân sinh sống, như phun thuốc diệt muỗi và yêu cầu địa phương vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế chủ động hơn trong việc giám sát véc - tơ muỗi truyền SXH để phát hiện mật độ muỗi, bọ gậy trong môi trường, từ đó có biện pháp phun, diệt xử lý.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã giám sát véc - tơ SXH 20 lượt tại 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, những điểm phát hiện chỉ số muỗi vượt ngưỡng và có các loại muỗi có khả năng truyền SXH đều được tổ chức phun, diệt; đồng thời Trung tâm cùng với các trung tâm y tế địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường, quản lý các dụng cụ chứa nước, lật úp và thu gom các dụng cụ phế thải tại các điểm này.
.