Quảng Ninh: Mô hình phát triển kinh tế bền vững đã hình thành

(PLO) - Cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, dự kiến, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 trên địa bàn đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt trên 10% và không còn phụ thuộc quá nhiều vào khai thác khoáng sản.
TP Hạ Long về đêm
TP Hạ Long về đêm

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh trong khoảng thời gian 5-10 năm trước thấy rằng, 80% trong cơ cấu GDP, thu ngân sách là từ khai thác than, tiền đất và đầu tư từ ngân sách nhà nước. Có lẽ ở thời điểm hơn 10 năm trước ít ai nghĩ rằng sẽ có sự chuyển dịch nhanh trong cơ cấu GDP, thu ngân sách, bởi sự phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp khai thác than và đất đối với Quảng Ninh.

Nhưng 10 năm sau, nhìn lại thì than và đất đã không còn là ưu thế số 1 để tăng trưởng kinh tế cho Quảng Ninh. Theo thống kê tính đến thời điểm cuối năm 2016, sản xuất than chỉ còn chiếm gần 50% tổng GRDP của tỉnh. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây mặc dù ngành Than gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nhưng không gây tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh, thậm chí Quảng Ninh còn đang là một trong những “ngôi sao kinh tế” của cả nước.

Trong 3 năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của Quảng Ninh nằm trong top 5 địa phương cao nhất của cả nước, trong đó tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; dự kiến, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 trên địa bàn đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - nghiệp và thủy sản tăng 3,4%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào tổng mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, đóng góp 3,9 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 14,5%, đóng góp 4,4 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 14,9%, đóng góp 1,7 điểm phần trăm.

Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức PPP, Quảng Ninh đã làm được cảng hàng không, gần 100km đường cao tốc, các trụ sở liên cơ quan của tỉnh, địa phương và 36 dự án đầu tư khác đang được triển khai. Quý I/2018, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của Quảng Ninh sẽ hoàn thành, như: Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khu kinh tế Vân Đồn. Cộng với khoảng 100.000 tỷ đồng của các tập đoàn như: Sun Group, Vingroup, FLC  đổ vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, đang tạo ra bước đà tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển dịch sang phát triển dịch vụ du lịch bền vững cho địa phương này. 

Thực tế đã chứng minh, Quảng Ninh đã rất sáng suốt khi biết chọn điểm chốt đột phá để khơi thông nguồn lực. Đó là, để phá thế “độc đạo” than- đất, tỉnh đã chủ động thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, đưa dịch vụ là ngành kinh tế chủ đạo trong chiến lược phát triển. Sau 5 năm kiên trì thực hiện mục tiêu lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm phát triển, Quảng Ninh đã giảm được tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ than và đất từ 67% năm 2011 xuống 47% năm 2016; giảm cơ cấu công nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.

Cùng với đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông huyết mạch, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thi công nhóm các dự án giao thông để đưa vào khai thác đầu năm 2018. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực cải thiện, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hành chính công (PAPI). Xây dựng cơ chế, giải pháp thiết thực, đủ mạnh, khả thi nhằm thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi từ triển khai đồng bộ, hiệu quả mô hình chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công, kết nối liên thông đến 186/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh doanh và kịp thời xử lý những rào cản, kiến nghị; rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách, rà soát, nuôi dưỡng các nguồn thu, nhất là nguồn thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ, hộ kinh doanh cá thể, tăng nguồn lực bổ sung cho chi đầu tư phát triển, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, có tính động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước năm 2017 đạt 72.700 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ, tăng cao ở loại hình kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể. Cũng trong thời gian qua, nhiều dự án đầu tư về du lịch của các nhà đầu tư lớn được triển khai đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Quảng Ninh, đặc biệt là ở TP Hạ Long, Móng Cái, huyện Vân Đồn, Cô Tô. Ước tính năm 2017, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh trên 9,8 triệu lượt, doanh thu lưu trú, ăn uống đạt khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngành khai khoáng đến thời điểm này chưa có dấu hiệu phục hồi, một số nhà máy sản xuất xi măng chưa tìm được khách hàng, việc tiêu thụ không có nhiều khả quan, Quảng Ninh sẽ tìm giải pháp để thúc đẩy một số sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, như: Sản xuất sợi bông cotton, bia các loại, bột mỳ, quần áo may sẵn, sản xuất phân phối điện.

Những việc mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm cho thấy, tỉnh đã chuyển đổi thành công mô hình phát triển kinh tế từ phụ thuộc vào khai thác khoáng sản sang mô hình phát triển kinh tế bền vững hơn dựa vào dịch vụ; thu hút vốn đầu tư phát triển bằng việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn. Kết quả phát triển kinh tế của Quảng Ninh đến thời điểm này đã cho thấy, nguồn lực để phát triển kinh tế không chỉ có tài nguyên than, đất mà còn nhiều nguồn lực quan trọng khác cần có chính sách hợp lý để khai mở.  

Đọc thêm