Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng lao động nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến hết năm 2030, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh đạt khoảng 874.250 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 92,5%; cơ cấu nguồn nhân lực các ngành khu vực I là 16,62%, khu vực II là 27,68%, khu vực III là 55,7%.
Tiết học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh.
Tiết học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm triển khai đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nông thôn, nhân lực chất lượng cao để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển KT-XH địa phương. Để hiện thực mục tiêu đặt ra, tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cụ thể, TP Móng Cái là địa phương có 5 xã miền núi, biên giới, hải đảo gồm: Quảng Nghĩa, Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Với quyết tâm phát triển mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững, cùng với các nhiệm vụ đầu tư hạ tầng. TP đã đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ, nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập.

Với mục tiêu tái cơ cấu lao động, thời gian qua, TP Hạ Long đã tích cực khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động, dự báo thị trường việc làm, để từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, nhất là những lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng.

Cụ thể, tháng 5/2024 vừa qua, Phòng Lao động Thương binh và xã hội TP Hạ Long phối hợp với đơn vị đào tạo nghề mở lớp đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng nghề nghiệp vụ du lịch gia đình cho trên 20 lao động nông thôn tại xã Dân Chủ.

Tại các lớp học, các học viên được đào tạo những kiến thức, kỹ năng về tâm lý và kỹ năng giao tiếp; nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và bán hàng; tổng quan về văn hoá du lịch; kỹ thuật pha chế đồ uống; cách chế biến món ăn. Qua đó, đã giúp học viên nâng cao kỹ năng cần thiết nghề nghiệp vụ du lịch gia đình, giải quyết việc làm cho người lao động.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở giáo dục đại học là Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh, các trường đã đào tạo trên 21.700 học sinh, sinh viên.

Toàn tỉnh Quảng Ninh còn có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với quy mô hơn 200 nghề đào tạo được cấp phép.

Tính từ năm 2015 đến nay, bình quân hằng năm các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người, với hơn 120 nghề đào tạo. Tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đạt 85% tổng số người tốt nghiệp.

Đối với hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã từng bước được kiện toàn, đầu tư theo hướng hiện đại, chuẩn hoá; nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản được duy trì qua các chương trình mục tiêu quốc gia và phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh cho biết: Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đào tạo gắn với quá trình đô thị hóa, nâng cao thu nhập cho người dân; tăng cường ưu tiên đầu tư cho phát triển nghề nghiệp nông thôn; chú trọng đào tạo chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại và chuyển đổi nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo cho lao động vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và nhóm người yếu thế; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho nông dân, cư dân phù hợp với thực tiễn, nhu cầu học tập tại từng địa phương.

Đọc thêm