Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế
Sớm cụ thể hóa chủ đề năm, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, xây dựng kế hoạch để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp (CN), phát triển CN chế biến, chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các KCN, KKT, nhất là những KCN có hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Việt Hưng, Hải Hà…
Đồng thời, địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động sớm nhất, tạo đột phá hơn trong thu hút đầu tư, trong phát triển CN chế biến, chế tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Cùng với đó là giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện theo quy hoạch của tỉnh và theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các Đại biểu tập trung nghiên cứu dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. |
Để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2024 các sở, ngành, địa phương quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công, giao trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án, chương trình mục tiêu, gắn trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân của từng dự án.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí; xử lý nghiêm tình trạng đầu năm ghi vốn - giữa năm điều vốn - cuối năm trả vốn của các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “dưới duyệt - trên cấp”, chạy theo các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Văn Công - Bí thư Thành uỷ Đông Triều, Tổ đại biểu Đông Triều, bày tỏ thống nhất 12 chỉ tiêu cơ bản nêu trong Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. |
Bám sát Nghị quyết số 20 ngày 27/11/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và Nghị quyết số 176 ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, ngày 12/12/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước của tỉnh và các địa phương năm 2024 cho các sở, ban, ngành và UBND các địa phương.
Theo đó, các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh: tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó thu XNK đạt trên 13.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 DN. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 73%. Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Về xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 51%; tạo ra ít nhất 30.000 việc làm tăng thêm; có trên 91% trường đạt chuẩn quốc gia; đạt 57,2 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sĩ/1 vạn dân; 2,8 dược sĩ đại học/1 vạn dân; trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,5% dân số. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị quyết số 13 ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh.
Về môi trường, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98,3%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,6%; tỷ lệ thu gom xử lý nước thải tại các đô thị tập trung của các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đạt khoảng 55%. Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.
Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc
Tiếp nối thành quả của năm 2023, năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh trong chủ đề công tác năm: “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, tỉnh xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW ngày 1/6/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 17-NQ/TU gắn với Nghị quyết số 06, Đề án 409 của Tỉnh ủy, tạo chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực từ thôn, bản, khu phố, xã, phường, thị trấn, đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, trọng tâm là xây dựng văn hóa Đảng trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể, nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương, đòi hỏi của nhân dân trong tình hình mới.
Với phương châm “lãnh đạo đi trước, đảng viên tiếp bước, làng nước theo sau”, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là tấm gương về văn hóa, đạo đức, lối sống, tự học và sáng tạo, tận tụy phục vụ nhân dân. Người đứng đầu phải khiêm tốn, cầu thị, cẩn thận, gian khổ phấn đấu vì sự phát triển của địa phương, vì hạnh phúc nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát, bị ràng buộc thông qua tăng cường giáo dục kỷ luật nghiêm minh, tăng cường chấp hành kỷ luật; dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên nhớ những điều cấm, giữ giới hạn.
Các ngành, địa phương trong tỉnh cụ thể hóa các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị địa phương vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong mỗi quyết sách phát triển địa phương; kết hợp hài hòa, tạo mối liên thông giữa đầu tư phát triển văn hóa với giáo dục đào tạo, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa.
Tổ chức xây dựng môi trường xã hội lành mạnh làm cơ sở cho các giá trị hình thành và phát triển; tạo điều kiện và khuyến khích hình thành các giá trị và hệ giá trị ở các cá nhân, tổ chức, tập thể; hiện thực hóa giá trị cốt lõi từ mỗi cộng đồng, thôn, bản, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Tiếp tục khơi dậy khát vọng của nhân dân và cộng đồng DN về một địa phương phát triển, hạnh phúc, một vùng đất năng động, sáng tạo, hướng tới đích lâu dài là bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, huy động sự vào cuộc tích cực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc vun bồi, nuôi dưỡng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trong xây dựng khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.