Thực ra thì Đinh Nho Tuấn còn là cái tên “khá lạ” trong “làng thơ” và lạ hơn trên “thi đàn”. Dẫu, sinh ra anh đã làm thơ, con nhà chữ nghĩa – bố anh nguyên là Tổng biên tập báo Hà Tĩnh, cụ Đinh Nho Liêm, bút danh Minh Nho.
GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học trong lời giới thiệu tập thơ “Em tôi” có nhận xét: “Thời cuộc hơn và thế sự hơn”. Đúng là so với “Xin hãy cho anh vội”, nghe tên tập thơ người đọc đã nghĩ ngay đến thơ tình thì “Em tôi” đề tài trong thơ, cảm hứng sáng tạo của Đinh Nho Tuấn rộng hơn, mở hơn.
Tôi không tìm “em” trong tập thơ này của Đinh Nho Tuấn. Đọc xong tập thơ của Đinh Nho Tuấn, trào lên tình cảm nhớ quê. Đinh Nho Tuấn sinh ra từ quê, tâm hồn thuộc về quê, dẫu “sống trong đời sống” anh đã từng học tập ở Nga, hiện lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Hà Tĩnh luôn hiện hữu trong tâm hồn Đinh Nho Tuấn, trong trong tập “Xin hãy cho anh vội”:
Con mượn thơ cha làm mái chèo ngược dòng Lam
Qua miền Nghi Xuân hướng về rừng Pù Mát
Nước vỗ mạn thuyền ngàn câu lục bát
Lấp lóa sao trời thương kiếp Tố Như
(Dòng Lam dòng La)
Trong trái tim mỗi người Việt Nam, ngoài tình mẫu tử được xếp vào vị trí đặc biệt, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn của ta. Quê hương cho ta những kỷ niệm ngọt ngào, cho ta tuổi thơ tươi đẹp. Quê hương dạy ta những bài học làm người đầy ý nghĩa, để cho ta lớn khôn và trưởng thành. Với Đinh Nho Tuấn cũng vậy, quê hương có một vị trí vô cùng đặc biệt, chiếm một vị trí quan trọng trong thơ anh.
Đến “Em tôi”, tình yêu quê hương trong thơ Đinh Nho Tuấn trở nên da diết hơn. Có thể đó là dư vị hạnh phúc một “đêm quê” theo suốt cuộc đời: “Em mơ đêm lạnh/ Khép mình triền đê/ Ôm anh ấm gió/ Ngã vào đêm quê” (Đêm quê).
Yêu quê đến da diết, và tự hào về xứ Nghệ “Đi năm châu nơi mô/ Cũng húc vào người Nghệ”, (Người Nghệ).
Trong văn hiến Việt Nam, Hà Tĩnh nổi lên là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Đất anh hùng, đất học, đất nhạc, đất thơ, đó là “căn cước”, là gương mặt riêng của Hà Tĩnh. Đây là nơi giàu truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm, tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền rất rõ nét. Tuy nhiên, cũng không ít điều dở cần phải thay đổi trong môi trường hội nhập.
Đinh Nho Tuấn nhìn ra trong thơ anh: “Yêu chi yêu đến dập vùi/ Ghét chi phang thẳng đến đui đến què”. Yêu đến dâng hiến, phân thân. Đó là nét đẹp. Nhưng cục cằn, gia trưởng, cục bộ thì không thể không khắc phục. Dẫu vậy, nhưng “Anh ơi, chơ răng mà xúc thơ từng đọi/ Đổ xuống mùa em say cả ánh trăng rằm”. Đinh Nho Tuấn đã có những cố gắng trong việc tạc chân dung con người xứ sở trong “Người Nghệ”.
Tất nhiên, tình yêu quê hương trong thơ Đinh Nho Tuấn không bó hẹp trong phạm vi Hà Tĩnh hay xứ Nghệ. Trong tập “Em tôi” có những bài thơ thế sự thấm đẫm tình yêu đất nước.
Gấp tập thơ “Em tôi” của Đinh Nho Tuấn, tôi bị ám ảnh bởi bài thơ “Gạc Ma” của anh: “Gạc Ma! Gạc Ma!/ Nghĩa trang lòng biển/ Không khói, không hương,/ Không di ảnh, không đường mòn mộ chí”
Với lên trời cao mây xanh vời vợi
Cào xuống biển khơi đau rạn đá ngầm
Nước non linh thiêng có tiếng mà câm
Giang sơn quằn đau, khoanh tay là nhục”
(Gạc Ma)
Bài thơ này Đinh Nho Tuấn viết năm 2018, nhân 30 năm sự kiện Gạc Ma, tưởng niệm linh hồn 64 liệt sỹ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đinh Nho Tuấn còn có nhiều bài thơ khác viết về các địa danh, về các vùng quê trên đất nước Việt Nam như “Sông Hồng”, “Hà Nội và nỗi nhớ”, “Những đứa bé Mẫu Sơn”...
Anh ước gọi trăng về đêm biển
Cánh buồm xa sáng một chấm chân trời
Đôi ta ngồi trong đêm thanh vắng
Mắt em nồng nàn ước một ánh sao rơi
(Anh ước)
Trái tim Đinh Nho Tuấn đa cảm, Hơn 100 bài thơ trong tập “Em vội”, dù với nhiều đề tài, tuy nhiên trong phần lớn các bài thơ đều thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước. Với trái tim ấy, không khó hiểu khi Đinh Nho Tuấn đã dành gần 30 triệu tiền bán tập thơ “Em vội” về quê hương làm công tác từ thiện. Đó là hành động “thơ” của một “trái tim thơ”