Quốc Hội cẩn trọng trong hoạt động lập pháp

Nhiều ý kiến tán thành với những đề xuất đổi mới trong hoạt động lập pháp, nhưng có ý kiến cho rằng, Đề án chưa thực sự nêu bật được những giải pháp đổi mới mang tính đột phá trong hoạt động lập pháp.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIII, chiều 28/5,  các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Đề án, dự thảo Nghị quyết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hôm nay, tại hội trường, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, đồng thời có những giải trình về các vấn đề chưa đi đến thống nhất.
Theo thống kê của UBTV QH, các đại biểu đã tập trung nhiều ý kiến cho vấn đề lập pháp của Quốc Hội.  
Đại biểu thảo luận về đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Đại biểu thảo luận về đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Nhiều ý kiến tán thành với những đề xuất đổi mới trong hoạt động lập pháp, nhưng có ý kiến cho rằng, Đề án chưa thực sự nêu bật được những giải pháp đổi mới mang tính đột phá trong hoạt động lập pháp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội, cần phải có những giải pháp tổng thể toàn diện trong đó có việc nghiên cứu sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan.
Trước mắt trong khuôn khổ phạm vi của Nghị quyết này chỉ tập trung đổi mới một số nội dung, một số khâu mà qua triển khai thi hành trên thực tế còn nhiều tồn tại, bất cập. Những đổi mới này được xây dựng theo nguyên tắc chỉ đạo của Đề án là đổi mới thiết thực, vững chắc, cụ thể, thận trọng để từng bước khắc phục những hạn chế trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, như những giải pháp cụ thể nhằm đổi mới một số công đoạn trong quy trình thẩm tra, cho ý kiến, thông qua luật. Mỗi đổi mới nhỏ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật được Quốc hội thông qua.
Nhiều ý kiến tán thành với những đề xuất đổi mới trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc thẩm tra kỹ các đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước khi đưa vào Chương trình. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tính cấp thiết của dự án luật để đưa vào chương trình; một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội và quy định cụ thể nhiệm vụ của bộ máy giúp việc trong hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, những ý kiến nêu trên là xác đáng, xin được tiếp thu để thể hiện trong dự thảo Nghị quyết, theo đó quy định cụ thể trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh. 
Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo phải thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn; trình dự thảo luật kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành; quá trình soạn thảo phải có sự tham vấn ý kiến công chúng, điều tra xã hội học; tham gia có trách nhiệm vào quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện văn bản,… 
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, nhất là việc thực hiện nghiêm túc quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thời hạn gửi tài liệu, trách nhiệm của cơ quan gửi tài liệu chậm, không bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Về việc thẩm tra dự án luật, nhiều đại biểu đề nghị cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra dự án luật; đồng thời, làm rõ cách thức tổ chức thực hiện việc tham gia thẩm tra theo hướng đổi mới của Đề án.
Có ý kiến đề nghị đối với dự án luật trình Quốc hội thông qua tại 2 kỳ họp cần tiến hành thẩm tra 2 lần; sau lần thẩm tra thứ nhất cần tiến hành xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội. 
Có ý kiến kiến nghị Ủy ban pháp luật cần tham gia thẩm tra dự án luật ngay từ giai đoạn soạn thảo để kịp thời chỉnh lý về kỹ thuật lập pháp. 
Các đại biểu cũng đã có nhiều đề xuất liên quan đến việc thảo luận, cho ý kiến và thông qua dự án luật như đề nghị lần thảo luận đầu tiên về dự án luật tại Quốc hội chỉ tổ chức thảo luận những vấn đề quan trọng để biểu quyết thông qua làm cơ sở cho việc chỉnh lý dự án; đối với những dự án luật ý kiến đã tương đối thống nhất thì có thể tiến hành thủ tục biểu quyết thông qua. Một số ý kiến đề nghị nên bố trí biểu quyết riêng từng điều luật hoặc từng nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhằm thể hiện chân thực chính kiến của đại biểu Quốc hội. Có ý kiến đề nghị tổ chức biểu quyết 2 lần đối với một dự án luật là tại kỳ họp thảo luận và tại kỳ họp thông qua.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Đối với việc biểu quyết riêng từng điều luật hoặc từng nhóm vấn đề sẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng cho phù hợp. 
Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí cao về chủ trương, sự cần thiết, phạm vi đề xuất đổi mới nêu trong Đề án, dự thảo Nghị quyết và cho rằng, Đề án, dự thảo Nghị quyết được xây dựng công phu, bao quát được những vấn đề lớn cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến cụ thể về nội dung Đề án và dự thảo nghị quyết. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Minh Trang

Đọc thêm