Sáng 2/4, tại Kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau khi thảo luận tại Đoàn, Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc dự thảo Nghị quyết về miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc và được Quốc hội tán thành.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán Quảng Nam. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã từng trải qua nhiều vị trí công tác tại Quảng Nam-Đà Nẵng; là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam các khóa VIII, IX; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VI, VII; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm Thường trực, Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ tháng 4/2016 - 7/2016, ông là Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Dự thảo Nghị quyết về miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 446/452 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,92% tổng số đại biểu Quốc hội).
Sau khi công bố kết quả bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tặng hoa và gửi lời cám ơn tới ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tập thể Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn trong việc đưa “con tàu Việt Nam vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức".
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới sáng tạo, thể hiện sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên cho việc triển khai các đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo; tạo nhiều việc làm mới.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội từ đầu năm 2020 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa hiệu quả phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Điều đó cũng được thể hiện qua sự cải thiện mạnh mẽ thứ tự xếp hạng quốc tế của Việt Nam trên nhiều chỉ số, lĩnh vực như đổi mới sáng tạo môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu; phát triển Chính phủ điện tử; phát triển con người Việt Nam; xếp hạng về phát triển bền vững. Có thể nói, đây là thành công chung với nhiều dấu ấn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng.
Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Điểm lại lời hứa đó có đi vào thực tiễn hay không, các ĐBQH cho rằng: “Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Thông tin tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước. Đây là lần đầu tiên Quốc hội bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước.