Quốc hội đề nghị báo cáo việc chuyển đổi trở lại đất trồng lúa

(PLVN) - Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020.
Đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng. Ảnh minh họa
Đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng. Ảnh minh họa

Chiều 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Quy hoạch sử dụng cho từng loại đất

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng 4 mục tiêu cụ thể. Đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Về phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập đến phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 của cả nước là 27,04 triệu ha.

Thực hiện quy hoạch được phê duyệt, cả nước đã chú trọng công tác bảo vệ, quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng lúa; thực hiện tốt việc khai hoang, phục hóa; năm 2020, diện tích đất nông nghiệp có 27,98 triệu ha đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42 - 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha, giảm 251,22 nghìn ha.

Đối với đất phi nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, trong 10 năm vừa qua, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 226,04 nghìn ha, năm 2020 có 3,93 triệu ha. Trong thời kỳ 2021-2030 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,90 triệu ha.

Đối với đất đô thị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, hiện cả nước có 2,03 triệu ha (gồm các loại đất nằm trong phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn; các khu đô thị mới đã hình thành thuộc phạm vi phát triển đô thị); đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha.

Hạn chế tối đa mâu thuẫn, chồng chéo trong quy hoạch sử dụng đất

Đối với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt.

Để hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan.

Đối với chỉ tiêu cụ thể về đất rừng phòng hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo phương án quy hoạch, trong 6 vùng kinh tế - xã hội có 2 vùng bị giảm diện tích đất rừng phòng hộ là Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, trong khi đây là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ, có giải trình cụ thể nội dung này.

Tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi. (Ảnh minh họa)

Tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý chặt chẽ đất rừng, nhất là rừng tự nhiên; đồng thời Chính phủ cần làm rõ thời gian qua đã có quy chế quản lý, xác định khu vực và công khai diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, kém chất lượng ở từng địa phương, từng vùng như thế nào để tránh tình trạng tùy tiện xác định rừng phòng hộ ít xung yếu để chuyển đổi sang rừng sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về đất trồng lúa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng quy hoạch đất trồng lúa đã cơ bản bám sát Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài.

Bởi thế, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác, hệ thống thủy lợi, không làm nhiễm mặn, phèn, làm ô nhiễm, thoái hóa đất). Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác thì cũng không dễ chuyển đổi trở lại thành đất lúa.

Để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.

Đọc thêm