Đối ngoại đa phương, toàn diện, sôi động
Để phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện, không thể không kể đến các hoạt động ngoại giao đa phương. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Quy chế số 272-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại…, nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện trong năm 2022 đã diễn ra sôi động, toàn diện với nhiều đổi mới về nội dung và phương thức, phù hợp với tình hình thực tế, tạo dấu ấn đậm nét, góp phần không nhỏ vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Hoạt động đa phương quan trọng hàng đầu của năm qua là Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Sự tham gia tích cực đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội (QH) Việt Nam tại cơ chế hợp tác nghị viện. Dự Hội nghị trù bị AIPA, thảo luận về Thông điệp của Chủ tịch AIPA, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ ASEAN thúc đẩy đầu tư xanh và khuyến khích tài chính xanh, công bằng và bền vững, hướng tới tương lai xanh, thỏa thuận xanh; nhất trí thúc đẩy sự phục hồi toàn diện và bền vững nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau; ủng hộ đề xuất thành lập Thư viện Điện tử pháp luật của AIPA nhằm chia sẻ chính sách và các quy định pháp luật.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại AIPA-43 diễn ra tháng 11/2022 tại Campuchia. Tại đây, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng AIPA chính là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN; đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN đối phó với các khó khăn, thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực, tăng cường kết nối với người dân.
Trong năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn Đoàn đại biểu QH Việt Nam đã tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 (tháng 4/2022 ở Indonesia) và lần thứ 145 (tháng 10/2022 tại Rwanda). Tại IPU-144, Đoàn Việt Nam đã nêu 5 đề xuất nhằm nâng cao vai trò của nghị viện các nước trong vấn đề biến đổi khí hậu tại Phiên thảo luận chung “Hướng tới phát thải ròng bằng 0: QH tham gia hành động về vấn đề biến đổi khí hậu”. Tham gia thảo luận về chủ đề khẩn cấp “Giải pháp hòa bình đối với tình hình tại Ucraina, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc và toàn vẹn lãnh thổ”, Đoàn Việt Nam khẳng định hòa bình và hợp tác luôn là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu của Việt Nam cũng là tôn chỉ, mục đích cao cả của IPU...
Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Bình đẳng giới và các nghị viện có sự bình đẳng về giới là động lực để thay đổi vì một thế giới hòa bình và tự cường hơn” tại IPU-145, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định bình đẳng giới là quyền cơ bản của con người, là mục tiêu của các quốc gia và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. QH Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh việc xây dựng pháp luật liên quan đến vấn đề giới nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ…
Đoàn đại biểu QH Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị toàn cầu nghị sỹ trẻ IPU lần thứ 8, tham dự trực tuyến Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Đại hội đồng thường niên APF lần thứ 47, Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 (APPF-30) và nhiều hội nghị đa phương khác, như Hội nghị tham vấn giữa ba Ủy ban Đối ngoại Campuchia - Lào - Việt Nam, Hội nghị về các mục tiêu phát triển bền vững, Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về hoạch định tương lai…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines, Chủ tịch Hạ viện Milton Dich ký Thỏa thuận hợp tác. |
Song phương - nhiều thành công vượt dự kiến
Trọng tâm trong hoạt động đối ngoại của QH năm 2022 còn là các hoạt động song phương giữa QH Việt Nam với nghị viện các nước diễn ra với nhiều hình thức đa dạng, như tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc song phương bên lề hội nghị; hội đàm, điện đàm trực tuyến; tiếp khách quốc tế; trao đổi điện, thư thăm hỏi xã giao. Trong đó, nổi bật là 7 chuyến thăm chính thức các nước láng giềng, các đối tác quan trọng ở trong khu vực và trên thế giới của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ bao gồm: CHDCND Lào; Hungary; Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; Vương quốc Campuchia và tham dự Đại hội đồng AIPA-43; Philippines; Australia; New Zealand. Các chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thành công vượt dự kiến.
Cụ thể, chuyến thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 15-17/5/2022 của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao của QH Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch QH Lào Saysomphone Phomvihane là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong Năm Đoàn kết hữu nghị Lào - Việt Nam 2022. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Chủ tịch QH Lào Saysomphone Phomvihane đã tổ chức hội đàm, ký Thỏa thuận hợp tác mới giữa QH Việt Nam và QH Lào. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai QH, các cơ quan tương ứng của QH hai nước trong các hoạt động song phương và đa phương. Hai bên nhất trí chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của Đảng đoàn QH Việt Nam với Đảng bộ QH Lào trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của QH trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...
Với nhiều hoạt động ý nghĩa và hiệu quả, chuyến thăm của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao của QH Việt Nam đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Tương tự, với Campuchia, chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia và tham dự AIPA-43 hồi tháng 11/2022 của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta đã thúc đẩy quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch QH Việt Nam; là sự kiện trong chuỗi hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập ngoại giao giữa hai nước (1967 -2022). Tại buổi hội đàm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Chủ tịch QH Samdech Heng Samrin bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao kết quả hợp tác giữa QH hai nước thời gian qua; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác nghị viện trên cả bình diện song phương và đa phương; đánh giá cao việc trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, hai bên ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa QH hai nước phù hợp bối cảnh và tình hình mới...
Đặc biệt, với 23 hoạt động tại Australia, chuyến thăm của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao của QH Việt Nam không chỉ tạo dấu ấn trong hoạt động ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân mà còn ghi dấu mốc quan trọng thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới. Theo đó, ngay khi đến Australia trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức từ ngày 30/11-3/12/2022, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã có cuộc hội kiến với Toàn quyền Australia David Hurley. Tại hội kiến, Toàn quyền David Hurley nhấn mạnh, đây là thời điểm thuận lợi để hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Sue Lines, Chủ tịch Hạ viện Milton Dich đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa QH Việt Nam và Nghị viện Australia cho giai đoạn tiếp theo với những nội hàm hợp tác mới sâu rộng hơn trong thời gian tới nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Phát biểu tại Viện Chính sách Australia - Việt Nam, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “…Là những người đại biểu của nhân dân, nghị viện hai nước là cầu nối quan trọng kết nối mục tiêu phát triển của hai quốc gia và nguyện vọng tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước”. Đây không chỉ là mong muốn trong thắt chặt quan hệ nghị viện giữa hai nước Australia - Việt Nam mà còn là kỳ vọng của chúng ta trong quan hệ ngoại giao nghị viện với tất cả các nước trên thế giới.