Quốc hội năm 2024: Đồng hành tháo gỡ khó khăn, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển

(PLVN) - Trong năm 2024, Quốc hội đã xem xét thông qua, cho ý kiến hàng chục luật, nghị quyết quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2024 đã phát huy tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Quang cảnh một phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phúc đáp kịp thời những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra trong tháng 1/2024, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ QH khóa XV. Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, QH đã xem xét, thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống.

Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 - 6/2024), với tỷ lệ tán thành cao, QH đã biểu quyết thông qua 11 luật gồm: Luật Lưu trữ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. QH cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật.

QH đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Cũng tại Kỳ họp thứ 7, lần đầu tiên, QH cho phép 4 luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng) đã được thông qua tại các kỳ họp trước, có hiệu lực sớm hơn 5 tháng - từ ngày 1/8/2024 (quy định hiệu lực được thông qua trước đó là từ ngày 1/1/2025). Điều này thể hiện sự linh hoạt của QH trong việc mạnh dạn thay đổi để đáp ứng yêu cầu cuộc sống theo kiến nghị của cử tri, các doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Kỳ họp thứ 8 QH đã biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao, trong đó có các Luật, Nghị quyết được doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm như Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa 4 Luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 Luật trong trong lĩnh vực tài chính, ngân sách...

QH đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó, có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đồng thời, QH cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Đặc biệt, QH đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam bằng hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng, nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và với các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng… QH cũng quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau nhiều cân nhắc thận trọng, trên nền tảng những phân tích triệt để, toàn diện về lợi ích của điện hạt nhân cũng như giải pháp cho các vấn đề liên quan.

Quyết tâm giải quyết “điểm nghẽn của điểm nghẽn”

Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất trong tất cả kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV tới nay, với nhiều dự án luật có tính chất phức tạp. Kết thúc Kỳ họp đã có nhiều dự án luật được thông qua khi đã trải qua quá trình chuẩn bị tích cực, khẩn trương và công phu. Các ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền kịp thời; các hoạt động lập pháp kết thúc đúng kế hoạch đề ra. Đây là cách làm mới, đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị như Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, QH và sự giải trình của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8. (Ảnh: quochoi.vn)

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đã đánh giá, Kỳ họp thứ 8, QH đã xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết. Mặc dù vậy, QH đều đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật; đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ; đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết.

Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Phó Tổng Thư ký QH Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh thêm, việc thông qua 18 luật, 4 nghị quyết trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn…

Kỳ họp thứ 8 và các kỳ họp tiếp theo trong năm 2025 được cho là hết sức quan trọng bởi đây là thời điểm bản lề cho việc triển khai Nghị quyết về kinh tế - xã hội cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII để nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, điểm sáng của Kỳ họp thứ 8 là số lượng và yêu cầu về chất lượng xây dựng luật của QH ngày càng đi vào chiều sâu. Dù số lượng luật nhiều nhưng QH đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như giải quyết những yêu cầu của người dân trong quá trình lập pháp để đi đến xem xét và thống nhất cao việc thông qua đối với từng luật. Đại biểu tin tưởng, sau Kỳ họp này, với trách nhiệm của QH và các đại biểu QH, sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ nỗ lực thực hiện các quyết sách để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ đời sống cho Nhân dân.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nhận định, đây là kỳ họp kỷ lục về khối lượng nội dung, đồng thời cũng là một kỳ họp nhiều cảm xúc. Kỳ họp nằm trong bối cảnh có sự vận động chung của cả hệ thống chính trị khi chúng ta thay đổi rất nhiều phương pháp, chủ trương và mang khí thế đúng như tinh thần mà Tổng Bí thư nói là “vừa chạy, vừa xếp hàng” và không đợi chờ thời điểm quá độ.

Theo đó, rất nhiều dự án luật, nghị quyết bổ sung mới vào Kỳ họp và được thảo luận ngay, như nghị quyết về Vietnam Airlines, Luật sửa 4 Luật về đầu tư, Luật sửa 7 Luật về tài chính, ngân sách (khi xem xét thông qua là Luật sửa 9 Luật) rồi các dự luật thông qua ngay tại một kỳ họp… Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, đồng thời tăng trách nhiệm hoạt động QH trước những yêu cầu của Đảng, yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Đại biểu An nhấn mạnh, bước quan trọng tiếp theo là đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống từ những quy định của những đạo luật này. Chúng ta đang trong giai đoạn hết sức sôi động, quyết liệt, quyết tâm cao. Trên cơ sở Kỳ họp này, chúng ta phải xác định những công việc ưu tiên làm trước để thực sự bảo đảm hiệu quả các quyết sách được QH thông qua.

Đọc thêm